<div> <p style="text-align: justify;"><span>Ngày 9/6, Công ty TNHH Vonfram Masan (“MTC”) - công ty con do Công ty CP Tài nguyên Masan (“MSR”) sở hữu 100% vốn, hôm nay đã công bố hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck Group GmbH (“HCS”).</span></p> <p style="text-align: justify;">H.C.Starck là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram (tungsten metal powders) và vonfram các-bua (tungsten carbides). HCS phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc.</p> <table> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="masan huong tro thanh nha che tao vat lieu cong nghiep cong nghe cao hinh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/10/images-vov-vn_von2_tcmd.jpg" title="masan hướng trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao hình 1" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: justify;"><em><span>Dây chuyền nhà máy hiện đại của MSR.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">HCS có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, cũng như vận hành các nhà máy hiện đại, tự động hóa cao để đảm bảo cung cấp cho khách hàng các sản phẩm có chất lượng vượt trội và ổn định. HCS có 105 bằng sáng chế (đã được cấp và đang đăng ký) và sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vonfram hàng đầu như hợp chất vonfram có cấu trúc siêu mịn (ultrafine).</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, nhờ vào các công nghệ đã được cấp bằng sáng chế độc quyền, HCS là một trong số ít các công ty trên thế giới có nền tảng tái chế vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường.</p> <p style="text-align: justify;">Giao dịch được thực hiện lần này là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR: trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới.</p> <p style="text-align: justify;">Nguồn cung APT sơ cấp ổn định với giá thành thấp từ MSR kết hợp với năng lực tái chế của HCS sẽ mang đến cho MSR lợi thế cạnh tranh toàn cầu. Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.</p> <p style="text-align: justify;">Với sự thành công của giao dịch này, MSR chính thức trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo máy và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất.</p> <table> <tbody> <tr> <td style="text-align: justify;"><img alt="masan huong tro thanh nha che tao vat lieu cong nghiep cong nghe cao hinh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/10/images-vov-vn_von3_mvti.jpg" title="masan hướng trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao hình 2" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: justify;"><em><span>Nhà máy HCS ở Quảng Châu, Trung Quốc.</span></em></td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">Giao dịch này không chỉ nâng tầm MSR trở thành công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam có quy mô toàn cầu, mà còn gia tăng vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường vonfram quốc tế nhờ vào nền tảng nghiên cứu phát triển và công nghệ hàng đầu thế giới.</p> <p style="text-align: justify;">Đây là cơ hội để đào tạo và phát triển các chuyên gia kỹ thuật trong ngành vật liệu công nghệ cao của Việt Nam, như một phần trong quá trình toàn cầu hóa nền tảng kinh doanh của MSR. <span>Giao dịch đã được hoàn tất với sự chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền./.</span></p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>