<div> <p>“Các quốc gia chinh phục vũ trụ phải giảm thiểu nguy cơ của các vật thể tái nhập khí quyển gây ra cho con người và tài sản trên Trái đất, đồng thời phải tối đa hóa độ minh bạch của các hoạt động đó. Xét về các mảnh vỡ rơi từ không gian, Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn trách nhiệm”, Giám đốc NASA Bill Nelson tuyên bố. Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ nói rằng, Trường Chinh 5B tái nhập khí quyển phía trên bán đảo Ảrập.</p> <p>Tuy nhiên, hầu hết các phần của Trường Chinh 5B, tên lửa đẩy mạnh nhất, nặng nhất của Trung Quốc, đã cháy khi tái nhập khí quyển; phần lõi rơi xuống Ấn Độ Dương, gần Maldives. “Trong quá trình tái nhập, tuyệt đại đa số các phần của tên lửa đã cháy rụi không còn nhận ra được”, Xinhua đưa tin sáng qua.</p> <p>Hôm 29/4, tên lửa (dài khoảng 33m, nặng khoảng 18 tấn) đưa một phần của trạm vũ trụ mà Trung Quốc đang xây dựng lên quỹ đạo. Sau khi hết nhiên liệu, tên lửa quay vòng vòng mất kiểm soát cho đến khi trọng lực Trái đất kéo nó xuống. Đây là một trong những mảnh vỡ lớn nhất từ không gian rơi xuống Trái đất. Năm ngoái, phần lõi của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên trở lại Trái đất nặng gần 20 tấn, nặng thứ tư sau mảnh vỡ của tàu con thoi Columbia (Mỹ) năm 2003, trạm vũ trụ Salyut 7 (Liên Xô) năm 1991 và Skylab (trạm vũ trụ đầu tiên của Mỹ) năm 1979.</p> <p>Nói chung, các nước chinh phục không gian cố tránh việc để mảnh vỡ rơi mất kiểm soát. Hầu hết tên lửa (dùng để đưa vệ tinh và các vật thể khác vào không gian) được kiểm soát sao cho chúng rơi xuống biển sau khi tái nhập khí quyển hoặc nằm ở quỹ đạo “nghĩa địa” (tồn tại trong không gian hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ). Nhưng tên lửa Trường Chinh được thiết kế theo cách “để cho các bộ phận lớn nằm ở quỹ đạo thấp”, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell công tác tại Trung tâm Vật lý thiên văn - Đại học Harvard (Mỹ) nói. Trong trường hợp này, không thể biết chính xác khi nào hoặc nơi nào tên lửa đẩy sẽ đáp xuống.</p> <p>Trước khi Trường Chinh 5B rơi xuống Ấn Độ Dương sáng qua, Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự đoán “vùng nguy cơ” (nơi tên lửa rơi xuống) là “bất kỳ phần nào trên Trái đất nằm giữa hai vĩ độ 41,5 nam và bắc, tức là bao gồm châu Mỹ tính từ phía nam New York, toàn bộ châu Phi và Úc, một phần châu Á ở phía nam Nhật Bản cùng bốn nước châu Âu là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Hy Lạp. Dù thế giới ngày càng hạn chế rác vũ trụ và quản lý chúng tốt hơn, hiện nay trên quỹ đạo Trái đất còn hàng trăm nghìn mảnh vỡ không được kiểm soát, hầu hết có đường kính nhỏ hơn 10 cm. Các vật thể liên tục văng ra khỏi quỹ đạo, nhưng hầu hết cháy rụi trong khí quyển trước khi rơi xuống bề mặt trái đất. Bộ phận của các vật thể lớn như tên lửa đẩy Trường Chinh có thể không cháy hết khi xuyên qua khí quyển, đe dọa tính mạng con người và tài sản trên Trái đất.</p> <p>“Cần thiết lập tiêu chuẩn. Không có luật hay quy tắc quốc tế, không có gì cụ thể. Nhưng tập quán của các nước trên thế giới là: “Với tên lửa lớn, đừng để rác của chúng ta ở trên quỹ đạo theo cách như vậy”, ông McDowell nói.</p> <p>Từ nay đến hết năm 2022, Trung Quốc sẽ thực hiện thêm 10 vụ phóng nữa để hoàn tất lắp đặt trạm vũ trụ của nước này, <em>Xinhua </em>đưa tin.</p> <div class="article__story cms-relate"> </div> <div class="article__story cms-relate"> </div> <div class="article__author"> </div> </div> <p> </p>