Hai dòng nguồn thu chảy ngược: Thu lợi trên việc “dùng chùa”
Cuối năm 2020, tại Diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, nhiều ý kiến đã đề cập rất gay gắt về thực trạng “nguồn thu chảy ngược”.
Thứ nhất là nguồn thu của các đơn vị nắm bản quyền bị “chảy ngược” vào những trang web vi phạm bản quyền. Hiện nay có không ít trang tin, tờ báo và cả những trang “3 không”: Không rõ người quản lý, cơ quan chủ quản; không rõ địa chỉ và không có giấy phép, do những yêu cầu về số lượng lớn tin bài hằng ngày, rồi áp lực về lượng view để có thể bán quảng cáo và “bán click” nên đã đi “vợt” lại nguyên bài hoặc một phần rồi “chế bản” từ các đơn vị báo chí có bản quyền.
Chính vì vậy, những đơn vị không trực tiếp sáng tạo nội dung lại được nhận tiền quảng cáo, còn đơn vị trực tiếp sở hữu nội dung sản phẩm sẽ không nhận được giá trị tương xứng mà họ bỏ ra.
Kênh thứ hai phức tạp, khó kiểm soát và tràn lan nhất là việc các tài khoản cá nhân, trong đó đặc biệt là các tài khoản ảo, tài khoản không xác thực trên các mạng xã hội. Trong đó có cả mạng xã hội xuyên biên giới như: Google, Facebook hay những mạng xã hội của Việt Nam như Zalo, Hahalolo…
Theo báo cáo, các tài khoản này thường cắt cúp thông tin, hình ảnh, phim trên các kênh báo chí/truyền hình chính thống và tạo ra những thông tin theo chủ đích cá nhân với mục đích câu view, câu follow/người theo dõi, do đó thông tin thường được chế bản theo hướng giật gân và càng giật gân, càng tạo bức xúc, tranh luận thì càng dễ và tăng nhanh follow. Khi đạt một lượng follow đủ lớn, các nền tảng công nghệ sẽ phân chia doanh thu quảng cáo từ các nhãn hàng, trong đó chủ yếu là nhãn hàng trong nước.
Không chỉ có những “ông lớn” như Google, Facbook mà những mạng xã hội trong nước vào cuộc đua “nấu cháo trên lưng báo chí này”. Có thể kể đến Zalo - mạng xã hội nội địa lớn nhất Việt Nam cũng đăng tải, chia sẻ những thông tin từ báo chí. Thế nhưng báo chí hầu như không thu lại được lợi lộc gì: Zalo không trả tiền bản quyền thậm chí cũng không trả lượng người xem (view) cho cơ quan báo chí. Còn về câu chuyện quảng cáo, Zalo cũng có những chính sách chia sẻ lợi nhuận nhưng đáng tiếc là phần chia sẻ lợi nhuận lại do Zalo quyết định và mức chia sẻ cũng quá nhỏ so với khoản tiền đầu tư những tác phẩm báo chí của những cơ quan báo chí nắm giữ bản quyền.
Trong khi đến cả "ông lớn" Facebook cho phép dẫn đường link trả về cơ quan báo chí để tăng lượng view tạo ra giá trị gia tăng thì Zalo "khoá" luôn, không cho dẫn link của các báo như LĐ, TN... thậm chí là Cổng thông tin Chính phủ, ngoại trừ một vài ngoại lệ như trường hợp Zalo cho dẫn đường link của Vietnam Net. Bởi vậy, số lượng người đọc (lượng view) đều tính cho Zalo mà không trả về cho cơ quan báo. Điều này có nghĩa là Zalo tạo sân chơi riêng, thao túng chiếm dụng nội dung trong khi lại yêu cầu các báo phải chịu trách nhiệm về nội đăng trên mạng xã hội Zalo. Rõ ràng là phi lý khi Zalo chiếm đoạt nội dung, hưởng lợi từ các thông tin từ các tác phẩm báo chí nhưng lại "đẩy trách nhiệm" về phía cơ quan báo chí nếu nội dung vi phạm.
Như vậy, nguồn thu quảng cáo của các mạng xã hội đã, đang có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo, nhưng theo cách… dùng chùa.
Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hiện nay các nền tảng được coi là độc quyền lưỡng cực, thậm chí họ cho phép xâm phạm bản quyền báo chí, họ chạy quảng cáo trên các trang xâm phạm bản quyền. Miếng bánh quảng cáo lẽ ra nằm tại các đơn vị nắm giữ bản quyền thì lại bị “chảy vào túi” các trang web, trang điện tử, các tài khoản mạng xã hội, khiến nguồn thu của không ít các cơ quan báo chí ngày thấp đi, ngược lại các mạng xã hội là có nguồn thu lớn từ việc xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí chính thống.
Khi bản quyền bị xâm phạm
Đã có nhiều quy định hiện hành để quan lý hoạt động của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội như Nghị định 72/2013, Nghị định 27/2018 và hiện nay Bộ TTTT đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.
Theo Bộ TTTT, đến hết tháng 6.2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép, tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 01 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam có thể đạt tới 80 triệu người (riêng Zalo đã khoảng 60 triệu), tuy nhiên mức độ ảnh hưởng và phổ biến thì vẫn còn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok... (Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam, YouTube có khoảng 60 triệu, TikTok khoảng 20 triệu).
Các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ TTTT nhấn mạnh: Tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Chính việc “báo hoá” trong đó có việc xâm phạm bản quyền các tác phẩm báo chí tràn lan đã khiến lượng đọc báo chính thống có xu hướng giảm nhanh, đồng thời nguồn thu từ quảng cáo cũng bị các mạng xã hội thâu tóm.
Liên quan đến bản quyền tác phẩm báo chí, Luật và các văn bản dưới luật cũng đã có. Tháng 10.2019, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành văn bản 3835/BTTTT-PTTH&TTĐT về “Chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp”.
Theo đó, yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo. Yêu cầu các trang thông tin điện tử tổng hợp phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí (không chấp nhận thỏa thuận miệng), về việc cho phép trang thông tin điện tử tổng hợp được dẫn lại tin bài.
Đặc biệt Nghị định 15/2020 về mức xử phạt hành chính trong trường hợp vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, hiệu lực từ 15.4.2020 quy định rõ hành vi tự ý chia sẻ bài báo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… dưới các hình thức như chia sẻ link, copy tác phẩm báo chí... mà không có sự cho phép của tác giả cũng là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP: Kể từ ngày 15.4.2020, các cá nhân lợi dụng mạng xã hội, có hành vi tự ý chia sẻ tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, hoặc thậm chí chia sẻ những tác phẩm đã bị tịch thu, cấm lưu hành có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đồng thời buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm này.
Tuy nhiên Nghị định 15/2020 lại chưa rõ trách nhiệm của các mạng xã hội. Chính vì vậy, dự thảo sửa đổi Nghị định 72 đang lấy ý kiến đã đưa vào nội dung “Bổ sung thêm trách nhiệm của Mạng xã hội trong nước”. Theo đó: Tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24h) bị khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu; Mạng xã hội trong nước phải có bộ lọc để chặn lọc sơ bộ trước những nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật do người dùng đăng tải trên mạng xã hội.
Không cho phép thành viên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động báo chí (theo quy định tại Luật Báo chí).
Dự thảo cũng quy định: Mạng xã hội đa dịch vụ sẽ phải gỡ bỏ các dịch vụ, nội dung chuyên ngành vi phạm pháp luật theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp không tuân thủ, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng hoạt động/tạm đình chỉ tên miền của toàn bộ nền tảng mạng xã hội đa dịch vụ cho đến khi mạng xã hội thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm.