Ông Nguyễn Văn K., 67 tuổi (Nghệ An) bị bệnh lao được phát thuốc về nhà điều trị. Tích cực trị liệu một thời gian ông thấy bệnh không còn biểu hiện nên bỏ dần thuốc. Bởi ông lo sợ lao khỏi nhưng những tác dụng phụ của thuốc có thể khiến ông bị bệnh khác.
Kết quả sau một thời gian bệnh của ông tái phát, ông đi khám thì biết lao đã kháng thuốc nên phải sử dụng rất nhiều loại thuốc với độc tính cao hơn.
Lời bàn: Lao là bệnh xã hội lây lan chủ yếu qua đường hô hấp, bệnh nhân lao trong điều trị duy trì chủ yếu là điều trị ngoại trú (về nhà, hàng tháng đến kiểm tra lấy thuốc về uống) nên công tác theo dõi tác dụng phụ của thuốc (ADR) khó khăn, bệnh nhân bỏ trị nhiều, không hợp tác, khiến bệnh lao quay lại thành kháng thuốc.
Thuốc lao rất độc với nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là thần kinh, gan, thận, thính giác, thị giác... Vì vậy, vấn đề giám sát và hợp tác điều trị rất quan trọng để phát hiện kịp thời các ADR và có hướng điều trị kịp thời. Lao kháng thuốc khó trị, tốn kém, hiệu quả thấp... và các thuốc hàng 2 có giá trị độc tính rất cao.
ThS Lê Quốc Thịnh (Trưởng khoa Dược Bệnh viện 71 Thanh Hóa)