Bị các nhà sử học chê trách
Về đời tư của vị vua lên ngôi ba tháng Mạc Kính Chỉ, từng phạm hố sâu tội lỗi trong gia phong nhà Mạc. Điểm tên mình trên nền chính trị nước Việt ba tháng ít ỏi, những mong níu kéo vương nghiệp dòng họ mà bất thành, dấu ấn để lại hầu như không có gì ngoài vết nhơ loạn luân là còn mãi.
Trong Đại Việt thông sử, khi viết về Mạc Kính Chỉ, nhà sử học thời Lê Trung hưng Lê Quý Đôn khen cha của Kính Chỉ là Mạc Kính Điển bao nhiêu, thì lại chê trách bấy nhiêu khi phê phán Mạc Kính Chỉ. Nội tình duyên cớ làm sao lại xảy ra việc trái luân thường đạo lý đến thế, nhất là với một kẻ thuộc vương tộc nhà Mạc buổi ấy?
Sự kiện trên diễn ra trước khi Kính Chỉ lên ngôi 29 năm vào thời Mạc Mậu Hợp đang trị vì Bắc triều, được Đại Việt sử ký tục biên khi ghi về nhà Mạc đã lưu ý: “Giáp Tý (chính trị) năm thứ 7 (1564), (Mạc Thuần Phúc năm thứ ba; Minh Gia Tĩnh năm thứ 43). Bấy giờ, con trưởng của Mạc Kính Điển là Đoan Hùng vương Kính Chỉ ngầm tư thông với vợ lẽ của Kính Điển.
Việc bị phát giác, Kính Chỉ phải giáng làm thứ nhân. Lấy con thứ là Kính Phu làm Đường An vương và trao cho binh quyền. Đến khi Kính Điển chết, họ Mạc lại lấy Kính Chỉ làm Hùng Lễ công nhưng không trao binh quyền”.
Không phải ngoại lệ
Vụ loạn luân của Kính Chỉ không chỉ Bắc triều nhà Mạc biết mà lan rộng khắp nước nên Nam triều cũng hay. Đường đường là kẻ dòng tôn thất nhà Mạc, giữ tước vương trong họ kể cũng hiếm, lại cha còn đấy mà giữa thanh thiên bạch nhật chỉ vì ái tình mạnh hơn đạo lý, Mạc Kính Chỉ trở thành kẻ phản phúc, loạn luân cả với vợ lẽ của cha (thời xưa cái lệ trai năm ba thê bảy thiếp dẫn tới thực tế có trường hợp người đàn ông đã có con lớn trưởng thành vẫn nạp thêm thê thiếp bằng tuổi con mình.
Phải chăng Mạc Kính Chỉ vì mẹ kế đồng niên, đồng lứa mà không thoát nổi tiếng gọi của sắc dục?). Dân gian ta bao đời đã có câu “Ba cha tám mẹ” với hàm ý rằng, ngoài mẹ đẻ của mình, thì với tục đa thê ngày xưa của nam giới, một đứa trẻ có thể có nhiều hơn một mẹ. Điều này trong Thọ Mai gia lễ ghi rất rõ ràng.
Nếu xét theo pháp luật dạo ấy (nhà Mạc vẫn còn dùng luật nhà Lê sơ), thì Kính Chỉ chắc chắn rơi đầu, nhưng bởi thuộc hàng tôn thất nên chỉ bị phế làm thứ dân. Sau khi Mạc Kính Điển già yếu, hồn về tiên cảnh, lúc ấy nhà Mạc mới nạp lại Kính Chỉ vào ngọc phả của vương triều, cho làm Hùng Lễ công, nhưng thực chất không có binh quyền gì trong tay, chỉ là một phẩm tước hư danh mà thôi.
Sau này khi Mạc Mậu Hợp bị nhà Trung hưng bắt, Kính Chỉ thu nạp đồ đảng phục lại nhà Mạc năm Nhâm Thìn 1592, tuy vậy cũng chỉ được ngót ba tháng thì tan.
Trường hợp loạn luân của Mạc Kính Chỉ, trong sử nước Nam hẳn không phải là ngoại lệ mà cũng có dăm ba kẻ là hàng đế vương phạm vào tội loạn luân ấy. Trong đó tiêu biểu là trường hợp vua Trần Dụ Tông, vì nghe lời thày thuốc Trâu Canh, để chữa bệnh liệt dương mà tư thông với chính chị ruột là công chúa Thiên Ninh.
Hay Vua Lợn (Trư vương) Lê Tương Dực, làm chuyện trai gái với cung nhân đời vua Lê Uy Mục... Kể ra làm trái nhân luân nên cái kết của kẻ hôn quân đa phần không tốt đẹp gì. Như Kính Chỉ, sau rơi vào tay chúa Trịnh mà đầu lìa khỏi cổ, hậu thế nhớ tới vị vua này là nhớ tới tì vết buổi ban đầu là phần nhiều.