Mới đây, khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.Q 58 tuổi vào viện vì nổi mẩn khắp người, ngứa, phù 2 chi dưới, căng tức bụng kéo dài 1 tháng.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, khoảng 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân đã tự mua thuốc về nhà để điều trị đau khớp. Tuy nhiên, sau khi sử dụng thuốc đã xuất hiện các triệu chứng mẩn ngứa khắp người. Mặc dù đã điều trị tại một phòng khám tư nhân trong suốt một tháng nhưng tình trạng không thuyên giảm, mà ngược lại, các triệu chứng càng nặng hơn, mẩn ngứa tăng lên, sưng phù hai chi dưới, bụng căng tức.
Khi nhập viện, bệnh nhân được ghi nhận có nhiều tổn thương trên da, bao gồm sẩn đỏ, tổn thương dạng bia bắn, mụn nước, bọng nước vàng và mảng đỏ vùng bụng. Ngoài ra, còn có hiện tượng bong tróc da ở tay, chân và thân mình, kèm theo ngứa dữ dội. Bụng cổ chướng mức độ vừa, tức bụng và phù hai chi dưới. Các xét nghiệm cho thấy dấu hiệu thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan, rối loạn đông máu, và các chỉ số gan bất thường...
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh BVCC |
Sau khi hội chẩn với chuyên khoa Da liễu, bệnh nhân được chẩn đoán mắc Hội chứng Dress nghi do thuốc, kèm theo viêm phổi, xơ gan child B, tràn dịch đa màng và thiếu máu thiếu sắt. Bệnh nhân được điều trị tích cực theo phác đồ bao gồm kháng sinh, bổ gan, chọc tháo dịch màng bụng, lợi tiểu, chống viêm, kháng histamin, thuốc bôi tại chỗ và bổ sung sắt.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, được ra viện, dùng thuốc theo đơn và hẹn tái khám.
BSNT Trần Văn Sơn – Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, Hội chứng DRESS là một phản ứng phản ứng quá mẫn loại 4, một phản ứng nghiêm trọng với một số loại thuốc. Đây là một loại phản ứng dị ứng do thuốc đặc trưng bởi tình trạng tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân. Đây là hội chứng gây hại cho cả người lớn lẫn trẻ em và có thể dẫn đến tử vong lên đến 10%.
Các chuyên gia phân loại hội chứng DRESS là Tình trạng thường xảy ra trong vòng 2–6 tuần kể từ khi một người tiếp xúc với thuốc lần đầu tiên, gây ra các đặc điểm đặc trưng nhưng có thể thay đổi ảnh hưởng đến da và nhiều cơ quan.
Bệnh nhân ra viện: Tổn thương da đã ổn định, không còn ngứa, không còn mực nước, hết phù. Ảnh BVCC |
Bác sĩ Sơn cũng cho biết, trường hợp bệnh nhân Q. sau khi uống thuốc tự mua xuất hiện các triệu chứng trên da toàn thân kéo dài nhiều ngày không đỡ dù đã gặp bác sĩ tư để điều trị. Ngoài ra khi đến Bệnh viện, qua thăm khám phát hiện bệnh nhân có thêm nhiều bệnh lý nền như viêm phổi, xơ gan, thiếu máu, sau khi điều trị tình trạng lâm sàng người bệnh đã cải thiện, tuy nhiên vẫn phải duy trì thuốc theo đơn và tái khám định kỳ để kiểm soát tình trạng xơ gan tiến triển.
Người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần để tầm soát sức khỏe cho mình, đặc biệt khi có vấn đề về sức khỏe thực sự, cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được bác sỹ khám bệnh, kê đơn điều trị phù hợp với bệnh, đảm bảo an toàn, hạn chế các nguy biến chứng hay tác dụng phụ do thuốc.