Tỷ lệ sống sau đẻ thấp hơn 5%
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành ca phẫu thuật phức tạp cứu sống sản phụ Lò Thị Duyên (25 tuổi, Quảng Ninh) bị phù rau thai, tiền sản giật trên nền bệnh lý thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh).
Trước đó, ở tuần thai thứ 12, sản phụ đã được siêu âm cho kết quả phù thai và rau thai, thai đa dị tật và được khuyên đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, sản phụ không đình chỉ thai và cũng không đi khám thêm. Đến tuần thứ 35 người bệnh nhập viện cấp cứu trong tình trạng với ngôi thai ngược, phù bánh rau toàn bộ (dày bánh rau 7,2cm), thai tràn dịch đa màng; sản phụ hai chân phù to, khó thở kèm theo đó là đau bụng từng cơn tăng dần, bụng trướng căng cứng liên tục, phần đáy tử cung nổi gồ như quả bưởi, thắt ngẫng ở giữa bụng. Sản phụ được chẩn đoán phù rau thai, tiền sản giật.
Xác định đây là một trường hợp rất nguy hiểm, nếu không tiến hành phẫu thuật kịp thời sản phụ rất dễ bị băng huyết sau sinh, ngay lập tức kíp phẫu thuật được triển khai.
BSCKII Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu cho biết, nước ối của sản phụ có màu xanh, bánh rau nặng 3kg, có khối máu tụ sau rau 50g, tử cung co kém, tăng co cơ tử cung. Các bác sĩ đã tiến hành thắt động mạch tử cung hai bên, cầm máu bảo tồn tử cung và kiểm soát nguy cơ sản giật trong quá trình phẫu thuật. Thai nhi là một bé trai nặng 2kg đã được các bác sĩ chuyên khoa Sơ sinh cấp cứu nhưng không thành công do tình trạng phù đa màng quá nặng. Trải qua 30 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã đảm bảo an toàn tính mạng, bảo tồn tử cung cho sản phụ. Sau 8 ngày điều trị, sức khoẻ của sản phụ ổn định và đã được ra viện.
Theo BS Nghiêm Thị Hồng Thanh, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, phù rau thai là một bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào. Bệnh đặc trưng bởi sự tích tụ dịch quá nhiều trong khoang ngoài mạch và các khoang cơ thể của thai. Phù rau thai thường kèm theo phù dây rốn và thai nhi cũng bị phù nề, tràn dịch đa màng, dị tật, dị dạng, bất thường về tim mạch, đường tiêu hóa, lồng ngực, truyền máu thai nhi ở song thai... Dù phù rau thai có tỷ lệ mắc khá thấp (xảy ra ở 1/1.000) nhưng nguy cơ đe dọa tính mạng cả mẹ và thai nhi. Hơn một nửa số trẻ sơ sinh bị phù rau có nguy cơ tử vong ngay trước hoặc sau khi sinh. Tỷ lệ sống sau đẻ rất thấp nhỏ hơn 5%. Đối với sản phụ, nguy cơ tử vong cũng rất cao do các biến chứng: Đa ối, thiếu máu, tiền sản giật, sót rau, chảy máu...
Bệnh nhân được cứu sống đã hồi phục và chuẩn bị ra viện. |
Cẩn thận với các bệnh truyền nhiễm
Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, có nhiều nguyên nhân gây phù rau thai như: Nhiễm trùng, nhiễm độc ở nửa đầu thai kỳ do vi khuẩn hay virus như người mẹ mắc bệnh Rubella ở đầu thai kỳ, do bất thường nhiễm sắc thể thai nhi, bất đồng nhóm máu mẹ con, ngộ độc bào thai do mẹ uống rượu, bia, tiếp xúc hoá chất…
Biểu hiện triệu chứng của bệnh thường là: Thừa nước ối, nhau thai dày hoặc bất thường; Thai nhi cũng có thể có lá lách, tim hoặc gan to bất thường và có thể quan sát được chất lỏng bao quanh tim hoặc phổi qua siêu âm. Khi sinh ra, trẻ thường có biểu hiện: Da nhợt nhạt, bầm tím; sưng (phù), đặc biệt là ở bụng, gan và lá lách to bất thường, khó thở, vàng da nặng.
Khi bị phù rau thai thì không thể tiếp tục nuôi dưỡng thai, cần chấm dứt thai kỳ, nếu không chấm dứt thai kỳ, thai nhi sẽ bị chết lưu trong bụng mẹ vì bánh nhau đã mất chức năng dinh dưỡng cho thai. Trường hợp sinh ra, vì non tháng hoặc do tình trạng có nhiều bệnh lý kèm theo thì em bé thường không thể sống, người mẹ dễ bị băng huyết sau sinh vì tử cung quá to và phải chứa lá nhau cùng thai nhi bị phù nề. Vì vậy, những trường hợp phù rau thai, các bà mẹ phải đến các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu nhằm dự phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để dự phòng phù rau thai, trước khi muốn có thai, chị em cần đến cơ sở y tế tiêm phòng một số bệnh như rubella, cúm… Khi mang thai, nên đi khám thai ngay ở 3 tháng đầu thai kỳ để tham gia chương trình chẩn đoán tiền sản như đo độ mờ da gáy, thử double test lúc thai 11 - 13 tuần, siêu âm thai nhi ở tuần thứ 16 - 18 và 21 - 24 tuần. Đặc biệt, thai phụ cần tránh những chất độc hại như hoá chất, chì… không được hút thuốc lá hay uống rượu bia; không sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn và chỉ định của các bác sĩ.