<div> <p><span><strong>Sập bẫy trước chiêu trò tinh vi</strong></span></p> <p>Sau khi loạt bài “Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0” của <i>Tiền Phong</i> đăng tải, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư về việc một số tổ chức đang có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc dụ dỗ nhà đầu tư tham gia vào dự án tiền ảo. Trong đó, điển hình nhất là CLB <i>Hành trình triệu đô.</i></p> <p>Anh P.T.H, một nạn nhân (Tuyên Quang) chia sẻ: Vào tháng 5/2020, ông được bà Nguyễn Thị Dung một thành viên của CLB <i>Hành trình triệu đô </i>giới thiệu về dự án đầu tư đồng tiền Cardano (ADA).</p> <p>Theo giới thiệu của người này, đồng ADA đang là đồng tiền có tiềm năng bậc nhất trên sàn tiền ảo quốc tế. Nếu đầu tư vào đây, CLB cam kết sẽ trả lợi nhuận 5%/ngày cho đến khi nhà đầu tư thu được mức lợi nhuận 150%. Tất cả lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ được nhận đủ trong vòng 300 ngày và được trả bằng đồng ADA.</p> <p>Để thuyết phục các nhà đầu tư xuống tiền, ngày 17/5, H và một số nhà đầu tư trong nhóm được mời xuống văn phòng CLB <i>Hành trình triệu đô </i>(số 30 phố Đinh Núp, Cầu Giấy, Hà Nội) để gặp Ban lãnh đạo CLB.</p> <p>“Tại đây, chúng tôi được Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch CLB cam kết, dự án sử dụng công nghệ tiên tiến nên không bao giờ sợ mất và thua lỗ. Khánh còn khoe đã giúp được hàng nghìn người kiếm được số tiền triệu USD từ đồng ADA nên nhiều người cũng tin tưởng. Ngoài mức lợi nhuận trên, nếu giới thiệu thêm người tham gia, nhà đầu tư có thể hưởng thêm từ 1-5 % hoa hồng từ dự án tương ứng từ F1-F5”, anh H nói.</p> <p>Trước những lời quảng cáo đầy hấp dẫn, anh H và nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn USD để đầu tư vào tiền ảo. Để mua được đồng tiền này, nhà đầu tư phải lập một tài khoản trên trang web có địa chỉ https://cryptostake.org do CLB <i>Hành trình triệu đô </i>lập ra. Sau đó, mua đồng USDT (một đồng tiền điện tử khá phổ biến nhưng chưa được pháp luật Việt Nam cho phép giao dịch - PV) trên các sàn tiền ảo để chuyển sang đồng ADA. Cũng có người chuyển tiền trực tiếp cho thành viên của CLB để mua hộ.</p> <p>Với thao tác đơn giản, chỉ trong vòng 10 ngày, H đã chi khoảng 5.500 USD để mua hơn 110.000 đồng ADA (với giá 0,0483 USD/ADA). Tuy nhiên, khi hàng loạt nhà đầu tư xuống tiền, nhóm <i>Hành trình triệu đô </i>của Nguyễn Văn Khánh bắt đầu sử dụng đủ các chiêu trò.</p> <p>“Ngày 26/5, CLB trả lãi lần đầu theo đúng cam kết 5%. Nhưng một ngày sau, Khánh đưa ra lý do đồng ADA thay đổi chính sách nên chỉ trả lãi còn 1%; 4% còn lại, Khánh quy ra một đồng tiền khác chưa có giá trị được giới thiệu là đồng FlasToken (FTC)”, anh H cho hay.</p> <p>Gần 1 tháng sau, khi đồng ADA ở trên sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế liên tục tăng giá, gấp 2,5 lần, các nhà đầu tư bắt đầu nghĩ về việc hái được lợi nhuận. Nhưng đúng lúc này, trên trang web https://cryptostake.org bỗng đăng dòng thông báo: “Hệ thống bảo trì từ ngày 22/6 đến ngày 2/7 nên sẽ không trả lãi. Khi xử lý xong, sẽ tiếp tục chi trả”. Điều này khiến hàng nghìn nhà đầu tư hết sức bất ngờ.</p> <p>“Hàng trăm tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ tiền vào trang web này để mua đồng ADA đều không rút ra được. Chúng tôi gọi điện cho Nguyễn Văn Khánh và ban lãnh đạo CLB thì không bắt máy. Còn một số thành viên trong CLB trước đây làm môi giới giờ phủi trách nhiệm nói không biết, không liên quan. Đến ngày 21/7, trang web https://cryptostake.org không còn truy cập được nữa”, anh H bức xúc nói.</p> <p><strong>Vỡ mộng với tiền ảo</strong></p> <p>Gần 1 tháng nay, sau khi bị CLB <i>Hành trình triệu đô </i>đánh sập hệ thống và có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền đầu tư, nhiều nhà đầu tư rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, mất ăn, mất ngủ. Dù số tiền bị “đóng băng” lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng nhiều người không dám chia sẻ với gia đình, cũng như phản ánh đến cơ quan chức năng do lo ngại đầu tư sai quy định. Thậm chí, có nạn nhân là 2 vợ chồng người khuyết tật.</p> <p>Anh N.V.T, một nạn nhân đầu tư hơn 7.000 USD vào đồng ADA chia sẻ: “Đến bây giờ, chúng tôi mới nhận ra bản chất thực sự của đầu tư tiền ảo. Mấy hôm nay, anh em trong nhóm đều không làm được gì, chỉ nghĩ đến cách làm sao lấy lại được số tiền. Trước hết, cũng do bản thân thiếu hiểu biết và ham lợi nhuận. Nhưng chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc giúp đỡ, xử lý những hành vi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của giới đầu tư”.</p> <p>Theo tìm hiểu của phóng viên, riêng nhóm của anh P.T.H và anh N.V.T đã có gần 30 người đầu tư với số tiền bỏ ra hơn 3 tỷ đồng. Còn tính cả hệ thống mà CLB <i>Hành trình triệu đô </i>đã thu hút, có tới hàng nghìn người tham gia với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hiện, một số thành viên bắt đầu làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.</p> <p><i>(Còn nữa)</i></p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p><b><i>Để chuẩn bị cho dự án tiếp theo khi đóng dự án ADA, các thành viên của CLB Hành trình triệu đô đã lên kế hoạch xây dựng một dự án đồng tiền điện tử khác có tên Bithera (BHC) và lập ra các trang web có địa chỉ https://bithera.com, https://bithera.vn, https://cryptoworldwide.io do một cá nhân trong nhóm là Trần Văn Thuận đứng tên. Ngoài ra, một số thành viên khác lập nên CLB Triệu phú tự thân với hình thức hoạt động tương tự. <br /> Các CLB này cũng vừa mở thêm khoảng chục văn phòng đại diện tại một số tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, TP HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thanh Hoá…và tổ chức hàng loạt các chương trình kêu gọi đầu tư nhằm tiếp tục dụ dỗ những “con mồi” xuống tiền.</i></b></p> </blockquote> </div> <p> </p> </div> <p> </p>