Chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ, phụ nữ vùng cao sẵn sàng ăn lá ngón để tự vẫn.
1001 lí do để… chết!
Từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), phải mất gần 2 giờ đi bộ và 30 phút đi thuyền vượt dòng Đà giang, chúng tôi mới đến được bản Nhà Sày xã Mường Sại bởi rừng rú, đường đá hộc quá hiểm trở.
Núi đá vôi Mường Sại hùng vĩ là nơi lí tưởng cho cây lá ngón sinh sôi phát triển bởi khí hậu lạnh. Từng bụi lá ngón xanh mơn mởn um tùm dưới những gốc thông, bạch đàn… Chúng len lỏi cả vào vườn nhà dân như “vị khách không mời mà tới”. Có thể khẳng định, về Mường Sại tìm rau khó hơn lá ngón nên cũng dễ hiểu khi hàng loạt cái chết tức tưởi diễn ra bởi loài lá kịch độc này.
Nhưng buồn hơn khi chúng tôi nghe những câu chuyện thật như bịa ở bản làng xa xôi này. Chỉ vì những mâu thuẫn vô cùng nhỏ nhặt cũng khiến con người ta tìm đến với lá ngón để “tâm sự”.
Lò Thị Ngoai, 25 tuổi cãi nhau với chồng chỉ vì không được xuống chợ mua thịt bò về làm món tái gầu đã tìm đến lá ngón. Theo lời kể của Lò Văn Hăc – chồng chị Ngoai, sau khi hai vợ chồng làm ngoài nương về. Ngoai đi trước vặt lá ngón giấu trong áo, khi gần tới cửa nhà đã bỏ vào miệng ăn. Để cho chắc chắn, sau khi nuốt lá ngón Ngoai đã vào nhà lấy bát múc nước măng chua tu một hơi hết sạch. Ngay lập tức, Ngoai nhảy như con gà bị cắt họng rồi lăn ra chết.
Cái chết ấy đã ám ảnh Hăc rất lâu bởi sự đau đớn, kinh khủng và nhanh chóng của thứ lá kịch độc nguy hiểm này. Đến giờ nhắc lại, đôi mắt Hăc vẫn còn hằn in cái ngày đau đớn ấy như một vết thương không thể lành miệng.
Vào ngày 27/9/2010, Quàng Thị Xương sinh năm 1990 cũng chết vì ăn lá ngón. Nguyên nhân dẫn đến tự tử không có gì đáng nói khi cô gái 20 tuổi mà chưa chàng nào đến hỏi làm vợ.
Cách Quỳnh Nhai không xa, huyện Phù Yên cũng nổi tiếng bởi những cánh rừng lá ngón bạt ngàn và những cái chết không hiểu nổi. Chủ tịch xã Suối Tọ, ông Sồng A Lư kể cho chúng tôi nghe về một người “nghiện” ăn lá ngón là Lầu Thị Xay ở bản Xuối Khang.
Theo ông Lư, chị Xay cũng có một gia đình hạnh phúc nhưng vẫn ăn lá ngón 10 lần để được “giải thoát”. Lí do mà chị Xay tìm đến cái chết vô cùng vớ vẩn: Con cãi mẹ: tự tử, bị chồng trách mắng vì cơm sống: tự tử, bỗng dưng thấy buồn… tự tử. May thay, 9 lần ăn lá ngón đều được người nhà phát hiện cứu sống nhưng đến lần thứ 10 thì Xay đã tử vong vì ăn quá nhiều.
Không kém Lầu Thị Xay, Sồng Thị Chu đã ăn 10 lá ngón một lúc để tự vẫn. Theo ông Lư, chị Chu vốn là cô gái Mông ngoan hiền, anh Sồng A Sếnh chồng chị cũng là người hiền lành, tốt tính. Thế nhưng, chị Chu vốn tính hay tự ái nên dù chồng có nói nhẹ vài câu, chị cũng bỏ ăn bỏ uống nằm một chỗ cho đến khi hết giận.
Hồi mới lấy chồng, vì có chút mâu thuẫn nhỏ chị Chu đã ăn lá ngón tự vẫn nhưng được anh Sếnh phát hiện đưa đi bệnh viện cứu sống. Từ đó, giữa hai vợ chồng cứ có chuyện gì dù to dù nhỏ là Chu tìm đến lá ngón để “dọa chồng”. Đầu năm 2009, sau khi xin chồng cho con về thăm nhà ngoại không được, chị Chu đã ăn cả chục cái lá ngón nên dù có được phát hiện kịp thời nhưng vẫn không cứu nổi.
Chuyện hi hữu khó tin nhưng có thật ở bản Păc Bệ khi một em nhỏ sau khi xem phim Hàn Quốc, nhân vật chính trong phim bị ung thư máu chết. Cô bé buồn thương khóc suốt đêm. Hôm sau khi đi học về, em bé đã bứt lá ngón ăn để tự vẫn.
Chủ tịch UBND xã Suối Tọ buồn rầu: “Năm nào cũng có người bị “ma ngón” bắt đi. Ít thì dăm ba người, nhiều thì trên chục mạng mà không có cách nào giải quyết…”
ở Suối Tọ và Mường Mại, cây lá ngón mọc thành từng bụi rậm.
Một cây lá ngón có thể giết cả bản
Chủ tịch xã Sồng A Lư cho hay: “Sắc rễ cây ngón có đủ lượng độc giết chết chục người một lúc. Độc ngón không giống các độc dược khác, lá ngón và đặc biệt là rễ ngón có lượng độc cực lớn và mạnh, người nào ăn vào chỉ vài giây sau là phát tác…”
Ông Lư cho biết thêm, lá ngón mà gặp đồ chua như me, mơ, khế, nước măng chua thì càng dễ phát tác. Nạn nhân có thể chết ngay tức thì mà không cách nào cứu được. Nhưng cũng có những trường hợp hi hữu ăn lá ngón vẫn không chết, tất nhiên không phải chuyện lạ do trước đó vô tình hay cố ý ăn phải thứ chống lại độc ngón.
Một trong những thức ăn chống lại độc ngón là mỡ lợn. Ông Lư lấy dẫn chứng về người trong xã là anh Vù Siu Óng, sau khi Óng uống rượu đám cưới về thấy bứt rứt trong người nên đã bứt lá ngón tự vẫn nhưng ăn mãi mà không thấy gì ngoài một số hiện tượng như đau đầu… Từ đó, Óng phát hiện mỡ lợn có khả năng chống lại độc lá ngón.
Trong bản dạo ấy có cô gái bị người yêu bỏ nên vào rừng tìm lá ngón để ăn. Óng thấy vậy liền dằn cô gái ra đổ mỡ lợn vào mồm bắt uống. Cô gái ăn no lá ngón, uống no mỡ lợn… nằm chờ chết mà mãi không thấy gì. Từ đó, dân bản mới truyền tai nhau về tác dụng chống độc của mỡ. Tuy nhiên, theo ông Lư hầu như không ai tin vào điều ấy vì chưa có cấp ngành nào kiểm nghiệm. Hơn nữa, độc lá ngón đã được dân bản phong là “ma ngón” thì khó có thuốc giải ngoài việc phát hiện kịp thời và chưa đến lúc bị “ma rừng” bắt đi…
Về độc tố của lá ngón thì không còn gì phải bàn cãi. Người dân bản thường hay chứng minh chất độc của lá ngón bằng “thí nghiệm” rất đơn giản. Lấy một khúc ruột lợn hoặc trâu bò, sau đó dồn lá ngón vào trong và buộc 2 đầu lại. Một lúc sau, khúc ruột tự nhiên phồng to rồi nổ tung như quả bóng bay.
Theo kinh nghiệm của ông Lư, ba chiếc lá ngón có thể giết chết một mạng người, một cây lá ngón có thể giết chết cả bản. Nhưng điều đáng buồn là tỉ lệ người chết do lá ngón không giảm mà lại có xu hướng tăng, đặc biệt vào các dịp lễ tết hay đám đình.
Cuộc chiến diệt lá ngón
Sau mỗi cái chết tức tưởi vì lá ngón lại là những đợt ra quân diệt trừ loài cây tai hại này xong dường như con người không đủ khả năng chống lại điều ấy. Chủ tịch UBND xã Suối Tọ Sồng A Lư cũng khẳng định như vậy.
Cũng giống như ông Lư, ông Lềm Văn Tiêng – Chủ tịch UBND xã Mường Sại (Quỳnh Nhai) khẳng định: “Không có cách nào diệt được cây lá ngón. Cứ phát xong đâu đấy, vài ngày sau lại thấy chúng mọc um tùm…”
Ông Tiêng cho hay, từ năm 2008 thay vì ra quân diệt trừ cây lá ngón, chính quyền địa phương đã ra sức tuyên truyền về tác hại của loài cây này đối với tính mạng và hạnh phúc cũng như sự yên ổn của các hộ gia đình trong dân bản. Đến năm 2010 cả xã ra quân chặt hạ cây ngón nhưng chỉ một thời gian sau, lá ngón mọc um tùm khắp nơi, thậm chí còn nhiều và tươi tốt hơn lúc trước. Cả bản làng thấy thế mà ái ngại, đáng sợ cho loài cây chết người này.
Tuy nhiên, cái khó nhất để diệt trừ lá ngón là nhận thức của người dân. Đồng thời, mối nguy hiểm đối với tính mạng con người không chỉ nằm ở độc tố của loại cây chết người đó, mà con người tìm đến với lá ngón để kết liễu sự sống.
Ông Tiêng chia sẻ: “Chỉ có ý thức con người mới có thế chiến thắng nguy hiểm mà lá ngón mang lại. Việc diệt trừ loài cây này là chuyện không thể, mỗi cá nhân trong bản phải tự ý thức về tác hại của nó cũng như có những cách giải quyết vấn đề sao cho tiến bộ…”
Trần Hòa