<div> <p><span>“Chúng tôi được nhắc rằng cả hai không được ngồi cùng hàng ghế trước”, chị Mortensen nói với CNN về chuyến đi cùng chồng đến bệnh viện thăm người thân bị ốm. </span></p> <p>“Chúng tôi có giấy phép đặc biệt mới được vào bệnh viện” chị nói, và cho biết người nhà chị nằm viện không phải vì nhiễm COVID-19.</p> <p>Dù đã áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt như vậy, Italy nay vẫn là quốc gia có nhiều người chết vì COVID-19 nhất thế giới. </p> <p>Tổng số ca tử vong của Italy cho đến hôm qua là 9.134 và sẽ tiến rất nhanh đến mốc 10.000 nếu duy trì tốc độ. </p> <p>Với 86.498 ca nhiễm được xác nhận, Italy dường như có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất hành tinh. Trung Quốc, tâm dịch đầu tiên của thế giới, có 81.997 ca nhiễm, nhưng chỉ ghi nhận 3.299 trường hợp tử vong. </p> <p>Italy hiện là nước có số ca nhiễm được xác nhận cao thứ hai thế giới, sau Mỹ với 105.470 trường hợp. Nhưng Mỹ chỉ có 1.700 bệnh nhân tử vong. </p> <p>Khi Italy đã bước sang tuần 6 của giai đoạn phong toả, nhiều người băn khoăn: vì sao tỷ lệ tử vong ở nước này cao hơn rất nhiều các nước khác?</p> <p>Các chuyên gia chỉ ra nhiều yếu tố, như dân số già và phương pháp xét nghiệm không làm sáng tỏ bức tranh đầy đủ của dịch bệnh. </p> <p><strong>Tỷ lệ bị bóp méo</strong></p> <p>Số ca nhiễm được xác nhận ở Italy “không đại diện cho toàn bộ số dân bị nhiễm bệnh”, CNN dẫn lời TS Massimo Galli, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan. Con số người nhiễm bệnh thực tế “cao hơn rất nhiều”, bác sĩ Galli nói. </p> <p>Bác sĩ này cho biết chỉ những ca bệnh nghiêm trọng mới được xét nghiệm, khiến tỷ lệ tử vong cao vọt lên. </p> <p><span>Ở vùng Lombardy ở miền bắc, nơi chiếm đa số ca bệnh, khoảng 5.000 miếng gạc được thu thập mỗi ngày để xét nghiệm. Số lượng này “thấp hơn nhiều mức cần thiết” vì “hàng ngàn người vẫn đang chờ ở nhà dù đã có triệu chứng”, bác sĩ Galli nói. </span></p> <p>Một trở ngại lớn đối với các y bác sĩ khi thực hiện xét nghiệm là họ có rất ít phương tiện bảo hộ, ông Galli cho biết. </p> <p> <strong>Người già dễ tổn thương</strong></p> <p>Một nhân tố khác khiến tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Italy cao ngất ngưởng là dân số già. Italy có dân số già thứ hai thế giới, sau Nhật Bản. </p> <p>Độ tuổi trung bình của các bệnh nhân Italy đã tử vong sau khi dương tính với virus corona là 78. </p> <p>Cho đến giờ hệ thống y tế công cộng của Italy vẫn giúp rất nhiều người già có bệnh nền sống sót. Nhưng những bệnh nhân đó “thực sự rơi vào tình huống cực kỳ mong manh, có thể gục ngã vì một virus như virus corona”, bác sĩ Galli nói. </p> <p>Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện của hy vọng. Như cụ bà 102 tuổi Italica Grondona, người đã chiến thắng COVID-19 sau hơn 20 ngày nằm viện ở TP Genoa. </p> <p>“Chúng tôi đặt cho bà ấy biệt danh Bất tử”, bác sĩ Vera Sicbaldi, người chữa trị cho cụ bà, kể với CNN.</p> <p>“Bà Italica đại diện cho hy vọng của tất cả người già đang chiến đấu với đại dịch này”, bà sĩ Vera nói.</p> <p>Trong khi đó, một số chuyên gia hoài nghi liệu các biện pháp hạn chế của Italy đã đủ mạnh để ngăn chặn virus chưa. </p> <p>TP Vũ Hán, nơi đầu tiên của Trung Quốc áp lệnh phong toả đối với 11 triệu dân ngay từ tháng 1. Tất cả các chuyến bay, tàu và xe buýt đều phải dừng hoạt động, đường bộ bị chặn lại. </p> <p>Giờ đây, sau hơn 2 tháng, giới chức ở tâm dịch COVID-19 đầu tiên của thế giới đang nới lỏng hạn chế vì tình hình được khống chế. Còn Italy đang dần dần thắt chặt hơn. </p> <p>Bình Giang</p> </div> <p> </p>