Lưu ý khi sử dụng hóa chất tẩy rửa, tránh nhiễm độc

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng; trang bị đầy đủ đồ bảo hộ; tránh để các hóa chất dính vào da, mắt là một vài lưu ý để tránh nhiễm độc khi sử dụng hoá chất tẩy rửa.

Phân loại hoá chất tẩy rửa hiện nay

Sản phẩm hoá chất tẩy rửa hiện nay có rất nhiều nhãn hiệu, người tiêu dùng ít ai quan tâm sản phẩm họ đang dùng được làm từ thành phần gì. Tuy nhiên, để tránh việc hoá chất gây hại đến sức khoẻ, người tiêu dùng cần dành thời gian để hiểu rõ về chất tẩy rửa và cách sử dụng sao cho hiệu quả, an toàn.

Sản phẩm tẩy rửa gốc axit: sử dụng để làm sạch sàn nhà, nhà vệ sinh, cầu thang…

Sản phẩm tẩy rửa gốc kiềm: sử dụng để làm sạch các trang thiết bị nội thất như mặt bàn, máy điều hòa, điện thoại… mà không gây trầy xước cho bề mặt.

Sản phẩm tẩy rửa trung tính: hóa chất làm sạch có độ PH cân bằng là 7, dễ sử dụng và ít gây nguy hại đến bề mặt cần làm sạch – đa số đều có tác dụng diệt khuẩn và lưu lại mùi thơm dễ chịu…

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Lưu ý khi sử dụng hoá chất tẩy rửa

Các chất tẩy rửa ít nhiều đều chứa chất độc hại, nên người tiêu dùng khi sử dụng cần nắm rõ những yếu tố an toàn, đặc biệt là những sản phẩm gốc axit.

Trước khi sử dụng bất kỳ một sản phẩm tẩy rửa nào đó, cần đọc kỹ và làm đúng theo hướng dẫn đưa ra của nhà sản xuất, đồng thời lưu ý các cảnh báo trên nhãn mác sản phẩm.

Khi sử dụng các sản phẩm tẩy rửa nên sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân: găng tay, khẩu trang, kính mắt, quần áo bảo hộ tuỳ theo mức độ độc hại của sản phẩm và cảnh báo trên bao bì. Đối với các loại hóa chất tẩy rửa mạnh, cần đảm bảo môi trường xung quanh thông thoáng bằng việc mở hết các cửa sổ, bật quạt thông gió.

Chỉ sử dụng nước lạnh ở nhiệt độ bình thường để pha loãng các sản phẩm hóa chất tẩy rửa theo tỷ lệ thích hợp, không được dùng nước nóng trên 30 độ vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, phát huỷ bản chất của hoá chất và có thể làm hỏng găng tay bảo vệ, ảnh hưởng đến da tay. Người tiêu dùng lưu ý, chỉ đổ hóa chất tẩy rửa vào nước và không làm ngược lại vì sẽ khiến hóa chất chứa axit bị bắn tung tóe gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, không tự ý trộn lẫn các sản phẩm tẩy rửa với nhau vì có thể xảy ra các phản ứng hoá học gây nguy hiểm như cháy nổ, gây độc cho người tiêu dùng hoặc làm mất tác dụng của sản phẩm.

Ngoài ra, luôn lưu trữ hoá chất tẩy rửa theo đúng những dụng cụ chứa ban đầu, có tem nhãn đầy đủ, không dùng các loại chai lọ nước uống tránh tình trạng nhầm lẫn uống phải sẽ gây nguy hiểm. Đặc biệt, sau khi sử dụng hoá chất tẩy rửa, người tiêu dùng cần rửa lại tay với nước rửa tay hoặc dung dịch sát khuẩn và thay quần áo.

Người đàn ông nghi nhiễm hoá chất gây hoại tử thịt từ nước rửa kính

Ngày 31/5, chia sẻ trên báo chí, các bác sỹ của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi (ở Hưng Yên) vào cấp cứu trong tình trạng 5 ngón tay phải nhợt nhạt, nhức nhối, đau buốt sau ít phút tiếp xúc với hóa chất trong sản phẩm xịt tẩy rửa dùng để lau kính.

Được biết, bệnh nhân có dùng chai nước xịt tẩy rửa V300 được mua trên mạng với giá 180.000 đồng để tẩy rửa, vệ sinh thiết bị trong gia đình. Người bán hàng quảng cáo sản phẩm có thể tẩy sạch cặn canxi, ố vàng và tất cả các vết bẩn khác. Bệnh nhân đã xịt hóa chất ra khăn và lấy tay trực tiếp cầm chiếc khăn để lau rửa kính.

"Sau khoảng 15-20 phút tiếp xúc trực tiếp với hóa chất trong quá trình tẩy rửa gương kính phòng tắm, tôi thấy các ngón tay bắt đầu đau, nhức buốt, giống như bị một loại côn trùng cực độc cắn. Lúc này, tôi vội rửa tay và gọi người thân hỗ trợ," bệnh nhân kể lại.

Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bác sỹ đã chỉ định cho bệnh nhân ngâm các ngón tay vào dung dịch canxi gluconat 10% để thải độc đồng thời yêu cầu nhập viện theo dõi.

Tại thời điểm nhập viện (ngày 30/5), người nhà bệnh nhân có mang theo chai hóa chất đã dùng. Đây là chai hóa chất có tên V300 nhưng trên nhãn không có tên thành phần, cơ sở sản xuất, cũng như hướng dẫn cho người dân cách xử lý trong trường hợp nhiễm độc.

Bác sỹ Nguyên phân tích: "Bao bì chai hóa chất chỉ có duy nhất một dòng chữ bằng tiếng Việt 'xịt tẩy rửa không chạm,' còn lại các thông tin khác, trong đó cảnh báo 'sử dụng bằng găng tay' trên nhãn rất nhỏ và đều bằng tiếng nước ngoài nên có thể nhiều người dân không để ý hoặc không hiểu."

Cũng theo bác sỹ Nguyên, rất có thể sản phẩm này chứa loại hóa chất HF rất độc (chất hóa học Hydro florua hay có tên gọi khác là axit flohydric). Hóa chất này có thể hòa tan kính, làm mòn thủy tinh nên có thể gây thủng cốc chén, chai lọ bằng thủy tinh nếu dùng để đựng hóa chất… Nếu tiếp xúc với hóa chất này có thể gây ra các vết thương nặng, hoại tử thịt, thậm chí ăn mòn, phá hủy mô xương.

Do đó, bác sỹ Nguyên khuyến cáo người dân khi tiếp xúc với hóa chất này phải chuẩn bị kỹ về đồ bảo hộ để tránh gây hại đến sức khỏe.

Theo VietnamDaily
back to top