Tiết kiệm và yêu thương
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm, cho biết, trong cuộc sống hàng ngày, các đồ phế phẩm trong gia đình như giấy, vỏ hộp thuốc, cốc nhựa, quần áo cũ… rất sẵn có. Bên cạnh việc chọn mua đồ chơi cho con, cha mẹ hoàn toàn có thể tận dụng những thứ phế phẩm sẵn có này để biến chúng thành đồ chơi cho trẻ.
Ví dụ, có tận dụng giấy báo cũ trong gia đình để làm diều, làm thuyền giấy; sử dụng cốc nước đã qua sử dụng hoặc cốc cafe bỏ đi cho bé tô màu nước; làm xích đu từ chiếc quần jeans cũ, tận dụng giấy, bìa, hộp giấy cũ hay chai lọ nhựa làm thuyền, máy bay, ô tô, robot, giỏ hoa, hay các con vật ngộ nghĩnh…
Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Vệ sinh Nhà sạch: Dù là đồ chơi mua về hoặc tự mình tạo ra, các bậc cha mẹ cần chú ý khâu vệ sinh. Đồ chơi chính là một ổ vi khuẩn vô hình mà bằng mắt thường không thể nhìn thấy được. Việc lau chùi hoặc rửa bằng nước không thể đánh bay ổ vi khuẩn; vì vậy hàng tuần cần rửa chúng bằng xà phòng, nước rửa bát, hoặc nước rửa chuyên dụng cho trẻ…
Việc tự tạo ra các đồ chơi mới này đầu tiên là giúp tiện kiệm chi phí, đồng thời tạo ra niềm vui mới cho trẻ. Trẻ vốn ưa khám phá, những món đồ chơi mới, đặc biệt là những món đồ chơi độc đáo, sáng tạo luôn được trẻ ưa thích, đồng thời từ đó còn giúp trẻ khám phá thế giới, tìm hiểu sự vật xung quanh cuộc sống.
Đặc biệt hơn, khi tạo ra đồ chơi, cha mẹ có thể cho con cùng tham gia, trẻ bé có thể quan sát bố mẹ làm, trẻ lớn hơn một chút có thể trực tiếp tham gia. Việc này vừa kích thích sự sáng tạo của trẻ vừa gắn kết tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Đồ chơi có thể được tận dụng từ những chiếc cúc áo bỏ đi
Giới hạn
Việc tận dụng là tốt, tuy nhiên cần có sự chọn lọc và giới hạn của nó bởi sự sáng tạo đôi khi lại tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn. Ví dụ nhiều gia đình dùng lọ thuốc, chai thủy tinh, chìa khóa… để làm vật liệu sáng tạo đồ chơi. Tuy nhiên, các vật liệu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của trẻ.
Vì vậy, khi tận dụng bạn cần tính đến độ an toàn của những đồ chơi mình tạo ra. Cần tránh làm đồ chơi từ các vật sắc nhọn, góc cạnh, nhiều chi tiết, những chai lọ chưa được kiểm định về mặt y tế. Đồng thời, các đồ phế thải cần phải được vệ sinh sạch sẽ.
Ngoài ra, khi cho trẻ cùng tham gia thiết kế đồ chơi, cha mẹ cần phải có sự giám sát, hướng dẫn, chỉ để trẻ thực hiện những thao tác đơn giản. Đặc biệt, những sản phẩm tự tạo, mặc dù chúng ta đề cao tính sáng tạo, nhưng không nên quá cầu kỳ, tốt nhất nên là những đồ chơi đơn giản, nhẹ, dễ tháo rời…
Một lưu ý nữa là các loại đồ chơi đều được các nhà sản xuất dựa theo sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ở tuổi nào thì phù hợp với loại đồ chơi đó. Các món đồ chơi tự tạo từ các đồ dùng gia đình hoặc đồ phế thải có thể thỏa mãn tính tò mò, ưa cái mới lạ của trẻ nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho các đồ chơi đúng nghĩa.
Vì vậy, bên cạnh những món đồ chơi tự tạo cha mẹ cần bổ sung thêm đồ chơi đã được nghiên cứu phù hợp với trẻ. Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng, không nhất thiết phải mua thật nhiều đồ chơi, chỉ cần 1 – 2 món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ là được.
Nhiều gia đình có điều kiện mua thật nhiều đồ chơi; nhưng nếu đồ chơi không đúng độ tuổi, đặc biệt “giao phó” con cho đồ chơi là vô cùng nguy hiểm. Cần nhớ rằng, đồ chơi phải đúng tuổi mới hiệu quả, ngoài ra, đừng thấy con chơi ngoan mà mà cứ bỏ đồ chơi ra rồi mặc cho trẻ tự chơi.
Các bậc phụ huynh nên dành một khoảng thời gian trong ngày để chơi cùng con, hướng dẫn con chơi,… hoặc có thể tạo ra các trò chơi linh hoạt để chơi cùng con chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải có đồ chơi.
Đức Anh