<div> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 1" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_luong-toi-thieu-1592897741134.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_luong-toi-thieu-1592897741134.jpg" title="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 1" /></figure> <p>Theo báo cáo của Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương Quốc gia, lương tối thiểu 2021 có thể được gợi ý điều chỉnh theo 1 trong 2 phương án sau, với các phân tích ưu nhược cụ thể.</p> <p><em><strong>Về phương án 1:</strong> </em>Khuyến nghị cùng Chính phủ, từ ngày 1/6/2021 (tức là lùi 6 tháng so với thông lệ hàng năm), điều chỉnh bình quân tăng 2,5 % để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động.</p> <p>Đề xuất này được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2021 dự kiến đạt 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 2" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_luong-toi-thieu-2021-1592972595070.png" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_luong-toi-thieu-2021-1592972595070.png" title="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 2" /> <figcaption>Dự kiến mức điều chỉnh theo phương án 1</figcaption> </figure> <p>Phân tích của Bộ phận kỹ thuật cho thấy, về ưu điểm, phương án này vẫn đảm bảo được mức lương tối thiểu trong trường hợp CPI của năm 2020-2021 tăng không quá 4 %/năm.</p> <p>Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này có thể gây ra tâm lý cho doanh nghiệp và dư luận trọng thời điểm. Vì thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch bệnh và tình hình phục hồi của doanh nghiệp, việc làm của người lao động còn là câu hỏi để ngỏ.</p> <figure class="image align-center" contenteditable="false"><img alt="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 3" data-original="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_img-20200624100752-1592968209554.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/24/icdn-dantri-com-vn_img-20200624100752-1592968209554.jpg" title="Lương tối thiểu 2021: Điểm ưu, nhược của các đề xuất điều chỉnh ra sao? - 3" /></figure> <p><em><strong>Với phương án 2:</strong> </em>Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).</p> <p>Về ưu điểm, phương án này giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có đà phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện để có thêm việc làm, người lao động tham gia vào thị trường lao động.</p> <p>Người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước cùng chia sẻ khó khăn và thực hiện trách nhiệm đảm bảo cuộc sống của người lao đông theo Nghị quyết của Chính phủ.</p> <p>Phân tích của Bộ phận kỹ thuật cho thấy, nếu thực hiện theo phương án này, nhược điểm chính là trong ngắn hạn năm 2021, tiền lương tối thiểu không đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.</p> <p>Trường hợp CPI năm 2020 duy trì ở mức 4%: CPI của năm 2021 tăng cao hơn 2,5 % bao nhiêu thì mức lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu bấy nhiêu.</p> <p>Bên cạnh đó, điểm tiêu cực của phương án còn là tạo tâm lý đối với người lao động nếu sản xuất sớm ổn định, phát triển trong năm 2021 mà lương tối thiểu thực tế bị giảm sút do chưa bù đắp kịp thời theo mức tăng của CPI.</p> <p>Dự kiến, Phiên họp thứ 2 về điều chỉnh lương tối thiểu 2021 sẽ được Hội đồng tiền lương Quốc gia tổ chức trong tháng 7/2020.</p> <div> <p><strong>Nhiều doanh nghiệp cho lao động giãn việc, nghỉ không lương</strong></p> <p>Cũng theo báo cáo của Bộ phận kỹ thuật, từ Quý 2/2020, các doanh nghiệp đã bị tác động rõ rệt từ dịch Covid-19.</p> <p>Khoảng 8,4 % doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.</p> <p>Khoảng gần 67 % doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất 1 trong 4 giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, như: Cắt giảm lao động; cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên; cho lao động nghỉ việc không lương; giảm lương người lao động.</p> <p>Trong đó, giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên được áp dụng phổ biến nhất với gần 40 % doanh nghiệp áp dụng.</p> <p>Thống kê cũng cho thấy, 98 % lao động ngành hàng không, du lịch phải nghỉ việc do tác động của Covid-19 trong thời gian qua.</p> <p>Đánh giá của Bộ phận kỹ thuật, tới nay, nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có các mặt hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu, gia công cho nước ngoài đang gặp khó khăn, thu hẹp sản xuất và cắt giảm nhân sự.</p> </div> </div>