Lưỡi lợn có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, tác dụng bổ tỳ vị, ích hư tổn, trợ ngũ tạng, khai vị, giúp ăn ngon cơm. Trong số các loại nội tạng lợn thì lưỡi là thực phẩm lành tính hơn cả. Mặc dù gan tốt cho cơ thể, gan cung cấp cho cơ thể lượng vitamin A dồi dào, gan chứa sắt, folate, cholin và vitamin B12 tốt cho mắt, giảm viêm khớp, cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân alzheimer và mắc chứng mất trí khác nhưng trong gan có rất nhiều men như men tiêu hóa, men thải độc... khi có chất hại nào vào gan thì gan chính là nơi thải chất độc hại ra ngoài, vì vậy ăn gan phải là gan tốt mới có lợi cho sức khỏe và mỗi tuần cũng chỉ nên ăn 1 - 2 lần.
Tim chứa nhiều sắt, selen, kẽm, vitamin nhóm B và coenzyme Q10 giúp cơ thể cân bằng năng lượng và chống lại stress nhưng cũng giống như các phủ tạng động vật nói chung, tim có hàm lượng cholesterol rất cao, dễ làm cơ thể trở nên béo phì, cao huyết áp, mỡ máu. Trẻ ăn nhiều tim thường khó tiêu, đầy bụng, béo phì. Bầu dục chứa nhiều protein, vitamin A, C và sắt có tính kháng viêm tốt nhưng cũng rất giàu cholesterol nên ăn nhiều không tốt cho trẻ. Óc chứa axit béo omega-3 gọi là DHA nhưng cũng chứa hàm lượng cholesterol rất cao, trẻ thừa cân, béo phì được khuyên hạn chế ăn óc. Lưỡi chứa kali, photpho, magne, protein, nhiều vitamin B12 và ít chất dinh dưỡng hơn so với tim, óc, bầu dục, cơ lưỡi là cơ vân nên các thành phần dinh dưỡng của lưỡi cũng như thịt của động vật sở hữu nó. Ăn lưỡi giúp bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường kiện cân cốt, sinh tân dịch, chỉ khát. Lưỡi tốt cho người bị suy nhược cơ thể, gầy còm, mới ốm dậy. Trẻ thiếu đạm mỗi tuần có thể ăn một lần món lưỡi xào sả ớt. Có thể lấy lưỡi lợn, sả, ớt, rau mùi, hành lá, dầu ăn, tỏi, dấm, gia vị vừa đủ xào ăn. Món ăn giúp bổ hư kiện tỳ vị, dưỡng khí huyết, tốt cho trẻ em ăn kém còi cọc, người có tuổi mệt mỏi khó lên cân do thiếu đạm.
BS Quang Anh (Vĩnh Hồ, Hà Nội)