<div><strong>Luật bây giờ đã quy định là thu giá</strong></div> <div> <table align="center" class="imageBox"> <tbody> <tr> <td style="text-align: center;"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/16/dai-bieu-nguyen-duc-kien-2.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p class="PCaption"><em>ĐBQH Nguyễn Đức Kiên trao đổi với PV quanh việc thu phí, thu giá BOT.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <strong style="font-size: 17px;">PV: </strong><em style="font-size: 17px;">Thưa ông, việc trạm thu phí BOT được đổi thành thu giá đang khiến dư luận “dậy sóng”. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một cách “nhập nhèm” khái niệm, quan điểm của ông thế nào?</em></div> <p><strong>Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:</strong> Ở đây chúng ta phải hiểu là chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Mà luật đã quy định là thu giá thì chúng ta phải gọi là thu giá, chứ không thể luật là thu giá nhưng chúng ta bảo không, vẫn cứ phải là thu phí.</p> <p><em>Nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến của các nhà ngôn ngữ học cho rằng từ thu giá không có nghĩa, vậy nếu luật xây dựng, sử dụng một từ tối nghĩa, gây khó hiểu, tranh cãi thì có nên không, thưa ông?</em></p> <p>Tôi không phải là một nhà ngôn ngữ nhưng quan điểm của tôi cho rằng, chúng ta không thể quay lại bẻ nhau bằng từ điển tiếng Việt rằng giá là thế này, phí là thế kia. Với tư cách của một người xây dựng luật, tôi có thể nói là mặc dù luật chưa cover (bao quát – PV) được 100% vấn đề của xã hội nhưng chí ít nó đã cover được 85-90% thì chúng ta cứ để thực hiện đã rồi mới điều chỉnh. Vì hằng năm, cứ 5 năm một lần chúng ta đều có đánh giá lại luật ấy, nên chúng ta cần tôn trọng thực tiễn.</p> <p>Luật bây giờ đã quy định là giá, không có phí nữa thì chúng ta cứ gọi là thu giá. Cái quan trọng là chúng ta phải nhìn vào bản chất của sự việc, rằng làm con đường đó nó có hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội không, có tạo thuận lợi cho người dân không? Còn cái việc gọi là trạm BOT, trạm thu giá BOT, trạm thu phí BOT chỉ là cái tên gọi thôi.</p> <p>Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, cam kết của Chính phủ. Ở đây hai bên cùng có lợi chứ không riêng một bên nào.</p> <p><em>Chứ không phải là sự “đánh tráo khái niệm” có chủ ý? Vì ngôn ngữ là một công cụ được dùng để biểu đạt ý nghĩa, khái niệm khác nhau thì nghĩa cũng khác, liệu có thể nói tên gọi chỉ là tên gọi không, thưa ông?</em></p> <p>Gọi là gì cũng chỉ là tên gọi, khái niệm thôi. Ví dụ lâu nay chúng ta không thích cái tên gọi là “cu Tý” nhưng thực tế có cả nhạc sỹ rất nổi tiếng có tên là Nguyễn Văn Tý. Vậy nhưng có người lại cho rằng tên gọi đó là không hay. Hoặc ví dụ có những họa sỹ vẽ body painting, người thì bảo đấy là dung tục, người thì bảo đấy là nghệ thuật. Đó là quan niệm của mỗi người. Dung tục hay không dung tục là do cái đầu của mình.</p> <p>Là người sống và làm việc theo pháp luật, bây giờ cái luật ấy do pháp luật quy định và đã có hiệu lực rồi , nên phải tuân theo. Còn bảo nói như thế này là không phản ánh đúng dư luận hay bức xúc của người dân thì tôi xin nhận khuyết điểm, bởi vì nói theo luật.</p> <blockquote> <p><strong>Học phí gọi là học phí vì từ năm 1958, khi bạn chưa ra đời, cái từ học phí đã được dùng rồi, cho đến bây giờ mình cứ quen với từ học phí. Nhưng mà trường tư là giá. Ví dụ đi học ở RMIT không ai gọi là học phí đi học ở RMIT mà là giá đi học ở RMIT. </strong></p> </blockquote> <p><b>Không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm</b></p> <div><img alt="Thu giá" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/dai-bieu-do-van-sinh-mau.jpg" /> <p><em>ĐBQH Nguyễn Văn Sinh trao đổi với PV bên lề Quốc hội.</em></p> </div> <p><strong>PV: </strong><em>Nhiều ý kiến lo ngại, khi đổi tên từ “phí” thành “giá” thì sẽ dễ tăng mức thu, quan điểm của ông thế nào?</em></p> <p><strong>ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội: </strong>Chi phí sử dụng dịch vụ giao thông vẫn do nhà nước định mức, quản lý. Muốn tăng thì phải có phương án tăng chứ có phải tự tăng được đâu.</p> <p><em>Chứ không phải khi giao cho doanh nghiệp thì sẽ dễ tăng giá hơn, thưa ông?</em></p> <p>Không phải. Chi phí trong lĩnh vực này không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, bởi nó ảnh hưởng rất lớn tới cả vấn đề xã hội và cả vấn đề kinh tế. Tất cả các cuộc điều chỉnh giá từ trước đến nay doanh nghiệp xây dựng phương án, các cơ quan nhà nước đồng ý thì mới xác định giá…</p> <p>Đây là loại chi phí đặc biệt, phải có sự kiểm soát của nhà nước vì liên quan đến vấn đề đầu tư, vòng đời của dự án. Chứ không phải doanh nghiệp đặt ra muốn tăng bao nhiêu thì tăng.</p> <p><em>Vậy ông có nhận xét gì về cách đổi từ “thu phí” sang “thu giá”? Vì sao lại phải thay đổi như thế?</em></p> <p>Theo tôi, điều quan trọng là để cho người dân hiểu được dù ở hình thức nào thì đây cũng là khoản chi phí mà người sử dụng dịch vụ phải bỏ ra.</p> <p>Trong trường hợp này, quan trọng là nội hàm của vấn đề. Tức là chi phí đấy người dân thấy có thỏa đáng không, thu như vậy có minh bạch hay không chứ không phải là tên gọi phí hay là giá. Phí, giá thì quy định trong pháp luật thì mình phải rà soát lại cho đúng bản chất. Nhưng cái gốc rễ vấn đề là người dân bỏ chi phí ra có được hưởng dịch vụ xứng đáng với cái mình bỏ ra không?</p> <p>Tuy nhiên, về ngôn ngữ vẫn có thể rà soát lại. Theo tôi, cần rà soát lại tất cả phạm vi, điều chỉnh phù hợp với đối tượng điều chỉnh, đối tượng quản lý và đối tượng giám sát</p> <p><strong>Quan trọng là sự minh bạch</strong></p> <div><img alt="Thu giá" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/16/thu-gia.jpg" /> <p><em>Trạm thu giá. Ảnh: Thanh niên.</em></p> </div> <p><em>Ông vừa nhắc tới sự minh bạch. Đây cũng là điều được dư luận đào xới nhiều khi nhắc tới BOT. Theo ông, cái bất cập nhất của BOT là gì?</em></p> <p>Theo tôi, đó là sự chưa được minh bạch. Thứ nhất là dự án đó có cần triển khai không, triển khai theo hình thức nào, phương thức nào. Trong quá trình triển khai thì thiếu minh bạch, đấu thầu không chọn được nhà thầu theo đấu thầu mà chỉ định thầu dẫn tới kiểm tra quá trình, lập dự án, thiết kế, khảo sát có những cái bất cập.</p> <p>Trong quá trình thi công cũng không đạt được các chỉ tiêu theo quy định dẫn đến chất lượng đường không đạt được như mong muốn. Và giá thành công trình cũng không đạt được thực chất của chi phí bỏ ra dẫn đến khi kiểm toán nhà nước kiểm tra thì thấy rằng tất cả dự án được kiểm toán phải giảm mức đầu tư xuống.</p> <p>Đó là những bất cập mà Quốc hội giám sát đã chỉ ra rồi và trong thời gian tới yêu cầu Chính phủ triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu của Quốc hội, làm sao phải minh bạch.</p> <p><em>Nhưng để đạt được những điều đó có khó không, khi ngay từ cái tên “phí” chuyển sang “giá” đã tạo những suy nghĩ nghi ngờ về sự thiếu “minh bạch” rồi, thưa ông?</em></p> <p>Theo tôi, bằng cách thanh tra, kiểm tra kiểm toán xác định thực sự giá đầu tư ban đầu cho chính xác. Trên cơ sở đó có phương án tính chi phí trên một phương tiện vận chuyển trong một quãng đường nhất định thì giá sẽ được xác định. Chứ không phải anh muốn tăng bao nhiêu thì tăng. Vì thực chất vẫn là đầu tư công. Chẳng qua là nhà nước chuyển quyền đó cho anh đầu tư, khai thác trong một thời gian nhất định.</p> <p>Quá trình triển khai trong thời gian vừa rồi chưa được minh bạch lắm thì bây giờ chúng ta đặt lại sự minh bạch đó.</p> <p><em>Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!</em></p> <blockquote> <p><strong>Trả lời báo chí bên hành lang quốc hội chiều 22/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nói việc đổi tên trạm thu phí BOT thành trạm thu giá BOT căn cứ quy định của Chính phủ. “BOT là sản phẩm của doanh nghiệp, sản phẩm đó do doanh nghiệp ấn định giá. Còn phí là mang tính Nhà nước, do quy định nghị định thôi”, ông Thể giải thích.</strong></p> <p><strong>Theo người đứng đầu Bộ GTVT, việc điều chỉnh phí cần sự cho phép của HĐND, Quốc hội, còn giá là dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp nên có thể điều chỉnh cho hợp lý tùy theo tình hình.</strong></p> <p><strong>“Từ khi chuyển sang giá, chúng ta mới giảm giá cho cân đối tài chính, còn để thông qua các bộ thì rất chậm. Đây là cơ chế của Chính phủ để linh động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.</strong></p> <p><strong>Trước một số ý kiến cho rằng khái niệm “trạm thu giá” khó hiểu, thậm chí không có nghĩa, ông Thể nói việc thay tên gọi không phải Bộ GTVT quyết định.</strong></p> <p><strong>“Nghị định của Chính phủ quy định, không phải Bộ GTVT tự đặt ra”, ông Thể khẳng định.</strong></p> </blockquote> <p><strong>Mai Loan</strong><em> (thực hiện)</em></p> <!--.saic-wrapper -->