Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết, khẳng định vai trò, vị thế của nhà giáo và sự tôn vinh của xã hội.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, hôm nay, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Nhà giáo (trước đó, ngày 9/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ).
PV Tri thức và Cuộc sống đã có trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) về dự án Luật này.
|
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Phạm Thắng. |
Ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Dự án Luật Nhà giáo được trình trước Quốc hội. Bà đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc ban hành Luật Nhà giáo - một luật đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các thầy cô giáo, thưa TS Nguyễn Thị Mai Hoa?
Tôi nhớ trong một bài nói chuyện với giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang".
Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai, Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII cũng nêu quan điểm: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Từ năm 2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã xác định chủ trương ban hành Luật giáo viên; và gần đây nhất, trong Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu “cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.
Như vậy, về cơ sở chính trị, trong chủ trương, đường lối của Đảng, nghề giáo được coi là nghề cao quý, sự nghiệp giáo dục được coi là sự nghiệp vẻ vang.
Về cơ sở thực tiễn, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có phạm vi ảnh hưởng lớn, giữ vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, hệ thống chế độ, chính sách dành cho nhà giáo còn bộc lộ nhiều bất cập; vị thế nghề nghiệp của nhà giáo có lúc, có nơi chưa được tôn trọng đúng mức; môi trường làm việc của nhà giáo có nhiều áp lực, thậm chí có nguy cơ rủi ro cao, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy ở những cơ sở giáo dục chuyên biệt như trường dạy trẻ em khuyết tật, các điểm nhóm trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Điều đó cho thấy, việc ban hành Luật Nhà giáo là cần thiết nhằm hệ thống hóa các quy định pháp lý hiện hành, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Theo bà, đâu là điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo?
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo Luật Nhà giáo, theo tôi là đã định danh rõ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, xác định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trên cơ sở bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn hóa và một số quyền, nghĩa vụ, chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Ngành Giáo dục được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, bao gồm xây dựng chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
Cùng với đó là chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, nhà giáo phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp và các yêu cầu của ngành Giáo dục; chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ làm việc của nhà giáo được bố trí ưu tiên; chính sách hỗ trợ, thu hút người giỏi vào nghề, nhà giáo về giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Với hệ thống chính sách này, Luật Nhà giáo không chỉ hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để phát triển đội ngũ nhà giáo mà còn tôn vinh nghề dạy học cao quý.
Lương là giải pháp đột phá nhưng cần có đánh giá kỹ
Trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này có đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Bà đánh giá thế nào về đề xuất này?
|
Cho rằng chính sách về lương là giải pháp đột phá, nhưng theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cần phải có đánh giá đầy đủ, toàn diện. Ảnh: Phạm Thắng. |
Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng”.
Dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện đúng tinh thần này khi quy định ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; được có thêm ưu đãi, phụ cấp theo nghề, theo khu vực địa bàn, đối tượng ưu tiên; phụ cấp thâm niên theo quy định của Chính phủ; nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…
Theo tôi, những chính sách này có thể coi là giải pháp đột phá để thu hút người giỏi vào ngành giáo dục, gắn bó lâu dài với sự nghiệp trồng người, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đồng thời, chính sách nhà giáo nói chung, trong đó có chính sách tiền lương sẽ đòi hỏi cần có nguồn lực lớn từ ngân sách. Do vậy, cũng cần đánh giá đầy đủ, toàn diện nhu cầu chi ngân sách Nhà nước, nguồn lực và tác động liên quan đến việc bố trí ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện các quy định tại dự thảo Luật.
Đánh giá nhà giáo đảm bảo trên cơ sở tôn trọng, tôn vinh
Quy định về việc đánh giá đối với nhà giáo 1 lần vào cuối năm học và nội dung đánh giá theo chuẩn nhà giáo do Chính phủ quy định chi tiết đang nhận được sự quan tâm từ dư luận. Quan điểm của bà thế nào, thưa đại biểu?
|
Cô và trò Trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) trong ngày khai trường. Ảnh: Mai Loan. |
Việc đánh giá nhà giáo hiện nay đang thực hiện theo Luật Viên chức (đối với nhà giáo công lập) và các luật chuyên ngành về giáo dục. Do vậy, cơ chế đánh giá nhà giáo còn phức tạp, hình thức. Nhà giáo ở các cơ sở giáo dục công lập hiện phải thực hiện song song hai hình thức đánh giá: Vừa phải thực hiện đánh giá theo nhiệm vụ năm học, vừa phải thực hiện đánh giá viên chức vào cuối năm.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần này đã quy định rõ: Việc đánh giá đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định về đánh giá viên chức. Việc đánh giá đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục. Nội dung đánh giá đối với nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Về thời gian đánh giá, dự thảo Luật quy định: Nhà giáo được đánh giá định kỳ 01 lần vào cuối năm học. Ngoài việc đánh giá định kỳ, nhà giáo còn được đánh giá khi kết thúc tập sự; thay đổi vị trí việc làm; xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
Tôi cho rằng, việc dự thảo Luật Nhà giáo quy định đánh giá nhà giáo theo hướng mỗi năm một lần vào cuối năm học là hợp lý nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo và là cơ sở để ra quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng đối với nhà giáo.
Đặc biệt, quy định trong dự thảo Luật về nội dung này đã tính đến yếu tố đặc thù của nhà giáo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo, nhất là đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Quy định việc đánh giá nhà giáo ngoài công lập theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm nhà giáo được đánh giá đúng, đánh giá trên cơ sở tôn trọng, tôn vinh nhà giáo.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
TS Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay, thực tế hiện có rất nhiều những danh xưng to lớn dành cho nhà giáo, thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với các thầy cô. Tuy nhiên, lại thiếu tính cụ thể của một quy phạm pháp luật, để các nhà giáo chính thức được hưởng quyền và nghĩa vụ tương ứng một cách thiết thực. Các văn bản hiện tại đang phù hợp với nhà giáo công lập nhiều hơn mà chưa có sự chỉ đạo cụ thể để đảm bảo quyền lợi với những nhà giáo ngoài công lập.
Luật Nhà giáo được xây dựng và ban hành tới đây, sẽ có các quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ để đảm bảo quyền lợi chung cho nhà giáo. Đây là những chế định pháp lý quan trọng, tạo công bằng, thể hiện sự tôn vinh đối với nhà giáo một cách thiết thực; tạo điều kiện cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập được bình đẳng trong hoạt động nghề nghiệp, phát huy vai trò của nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, dự thảo Luật cũng cần phải có một hệ thống tiêu chí đánh giá phù hợp với các nhà giáo dù họ có làm việc trong cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập.
"Về nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về các quyền của nhà giáo liên quan tới việc làm, môi trường làm việc được tôn trọng, bảo vệ an toàn; tạo cơ hội để nhà giáo phát triển nghề nghiệp tốt nhất và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà", TS Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.