Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tính đến 10h sáng ngày 14/9, tổng thiệt hại tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai ước khoảng hơn 260 tỷ đồng. Có 5 người chết, 4 người mất tích và 7 người bị thương do mưa lũ.
Lũ quét, sạt lở đất ở Lào Cai đã gây thiệt hại hơn 260 tỷ đồng. Có 5 người chết, 4 người mất tích và 7 người bị thương do mưa lũ. |
Trong số 5 người chết có 4 người ở xã Liên Minh, thị xã Sa Pa và 1 người tại xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn. Các nạn nhân gồm anh Vù A Nguyên, sinh năm 1999; Vù A Giả, sinh năm 1991, đều là người dân tộc Mông, hộ khẩu thường trú tại xã Liên Minh, thị xã Sa Pa; anh Vũ Văn Huỳnh, sinh năm 1999, hộ khẩu thường trú huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; ông Trần Như Nhị, sinh năm 1972, trú tổ 13, phường Pom Hán, TP Lào Cai và bà Bàn Thị Náy, sinh năm 1968, trú thôn Ít nộc, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn. Khoảng 23h 30 đêm ngày 12/9, bà Náy đang ở trong bếp nấu cám lợn thì bị cơn dông lốc cục bộ làm đổ sập nhà bếp (bếp tạm) dẫn đến đè chết người...
4 người hiện đang mất tích có 3 người ở xã Liên Minh, thị xã Sa Pa và 1 người, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát. Cụ thể gồm: ông Vù A Giáp; sinh năm 1986; ông Tẩn Vần Phấu, sinh năm 1979 cùng trú tại xã Liên Minh; ông Lê Đức Khoa, sinh năm 1971, trú tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên và ông Lý Phủ Nhàn, sinh năm 1963, trú tại xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát.
Ngoài ra còn có 7 người bị thương tại thị xã Sa Pa (xã Liên Minh 6; xã Bản Hồ 1 người).
Trong số các gia đình bị thiệt hại, mất mát lớn nhất là gia đình ông Vù A Trùng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh. Không chỉ toàn bộ hệ thống ao nuôi cá tầm, cá hồi bị lũ phá hỏng, nước lũ còn cuốn theo 3 người thân của ông Trùng, trong đó có 1 con trai, 1 em trai và 1 cháu trai.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, nguyên nhân sơ bộ ban đầu vụ việc được xác định, do trên địa bàn thị xã Sa Pa có mưa lớn gây sạt lở, lũ quét, đúng lúc các hộ dân đi kiểm tra khu vực nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), lũ ập đến nhanh, một số người dân không kịp chạy thoát.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác vào hiện trường xảy ra trận lũ ống tại khu vực Nậm Cang (xã Liên Minh, thị xã Sa Pa) |
Trước đó, thông tin của cơ quan khí tượng và người dân ở thị xã Sa Pa, từ khoảng 19h đến hơn 21h ngày 12/9, trên địa bàn thị xã Sa Pa và nhiều nơi thuộc tỉnh Lào Cai đã xảy ra đợt mưa lớn kéo dài, khiến nước lũ tại con suối Nậm Pá dâng lên đột ngột, hình thành lũ ống tại các thôn Nậm Than, Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa. Nhiều người dân thôn Nậm Cang đã nỗ lực bỏ chạy, nhiều người thoát nạn, nhưng có người không thoát kịp, nên bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Người dân sống dọc suối Nậm Pá, thôn Nậm Cang bị cô lập do cây cầu duy nhất dẫn vào thôn bị lũ đánh sập.
Ngay trong sáng 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn. Cùng ngày, tỉnh Lào Cai đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, đồng thời huy động khoảng 300 người tham gia tìm kiếm, cứu nạn; cử đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đến chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, cùng với các sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc... đến hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn nạn nhân mất tích, khắc phục thiệt hại, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Sa Pa huy động lực lượng tại chỗ, công an, quân sự, người dân tổ chức tìm kiếm cứu nạn nạn nhân bị mất tích, triển khai công tác ứng phó, khắc phục và tìm kiếm người mất tích.
Sáng 13/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thị sát, chỉ đạo khắc phục tại khu vực Nậm Cang (xã Liên Minh, thị xã Sa Pa). Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, chia buồn sâu sắc với thân nhân các gia đình có người bị nạn, bị thiệt hại trong trận lũ ống; động viên bà con cùng với lực lượng hỗ trợ nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Trong cuộc họp nhanh tại hiện trường xảy ra trận lũ ống ở Nậm Cang, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn.
Cùng với công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Lào Cai cần nghiên cứu, đề xuất với Trung ương phương án hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là các hộ nuôi cá tầm, cá hồi. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu các khu vực thường xuyên bị thiên tai, đưa ra cảnh báo sớm cho người dân và chính quyền các địa phương để sớm có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý tỉnh Lào Cai cần xem xét về quy hoạch xây dựng các thủy điện, công tác bảo vệ rừng để hạn chế lũ ống, lũ quét xảy ra khi có mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn.
Tỉnh nghiên cứu về quy hoạch dân cư, có các khuyến cáo với người dân sinh sống ở gần các sông, suối, nhất là ở các địa phương vùng cao, có địa hình dốc có các biện pháp phòng ngừa với thiên tai để hạn chế tổn thất về người và vật chất. Đồng thời, địa phương thường xuyên kiểm tra các suối trong mùa mưa lũ, sớm phát hiện vật cản dòng chảy để cảnh báo sớm cho người dân phòng ngừa.
Sáng 14/9, trước khi bắt đầu Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội và lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9.
Trước đó một ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Công điện số 797/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai và chủ động ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản