Long nhãn trị chứng ăn ngủ kém

(khoahocdoisong.vn) - Long nhãn còn gọi là nhãn nhục, tên khoa học là Euphoria longana (Lour)Steud. Long nhãn là cùi trái nhãn có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh tâm và tỳ, có tác dụng ích can, an thần, định trí, bổ huyết, bổ tâm tỳ. Chủ trị lo nghĩ thái quá, nhọc mệt, hay quên, hồi hộp, khí huyết hư, biểu hiện như trống ngực, mất ngủ và quên ...

Long nhãn chủ yếu có chứa chất adenine, choline, glucose, sucrose, sacaroza, protein, axit tatric, chất béo, sinh tố A,B. Các men amylaza, peroxitdaza. Long nhãn có nhiều tác dụng trị bệnh.

- Trị các chứng hư: Cam thảo, đan sâm, hoàng kỳ, long nhãn, mạch môn, nhân sâm, phục thần, sài hồ, thăng ma, viễn chí sắc uống.

- Trị suy nhược, mất ngủ: Hoa bưởi 2g, lạc tiên 8g, long nhãn 8g, tim sen 4g sắc uống.

- Trị mất ngủ do suy nhược, ngủ không yên, khó ngủ: Long nhãn 10g, cam thảo 4g, đại táo 10g, hoài sơn 8g, lá vông 20g, liên nhục 10g, táo nhân 10g sắc uống.

- Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. Sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.

- Chữa tỳ hư, ăn uống tiêu hóa kém, không ngon miệng: Bạch truật 12g, hoài sơn 12g, long nhãn 12g, ý dĩ nhân 10g, liên nhục 10g, phục thần 12g, cam thảo 8g sắc uống ngày 1 thang.

Long nhãn uống nhiều thì mạnh chí, thông minh, dùng lâu thì nhẹ mình, trẻ lâu. Trong thang Quy tỳ, long nhãn có công dụng ngang với nhân sâm, vì tỳ được bồi bổ thì trung khí đầy đủ, nguồn sinh hóa không kiệt, 5 tạng đều thỏa mãn thì trăm tà đều tiêu hết. Vả lại vị ngọt thì nuôi được huyết, bổ cho tâm mà làm mạnh thần.

Lưu ý: Ngoài có cảm, trong có uất hỏa và tích nước, đầy trướng đều không nên dùng, phụ nữ có thai không dùng nhiều.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (Phòng khám Đa khoa Thiên Nam)

Theo VietnamDaily
back to top