<div> <p>Ngày 18/2, thượng tá Trương Minh Cảnh – Phó trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh về triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, phòng CSGT tăng cường công tác tuần tra.</p> <p>Qua đó, từ đầu năm đến nay lực lượng CSGT đã lập biên bản 5.343 trường hợp, xử phạt với số tiền 7.327.402.000 đồng. Trong đó, xử lý 409 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể, có 30 trường hợp lái ô tô vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 1 người không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Có 379 trường hợp lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 4 người không chấp hành đo nồng độ cồn.</p> <p>Mới đây (vào tối 16/2), tổ tuần tra thuộc Phòng CSGT Bình Dương làm nhiệm vụ trên quốc lộ 13, đoạn qua phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một thì phát hiện một xe máy chở 3 không đội nón bảo hiểm, người điều khiển xe có dấu hiệu say xỉn.</p> <div> <div><img alt="Lợi dụng dịch Covid-19 để chống đối đo nồng độ cồn sẽ bị xử lý hình sự - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/02/02/tien_phong_nong_do_con_aymt.jpg" /><span>Một người có hành vi chống đối tổ tuần tra vào đêm 16/2 khi người đi cùng bị đo nồng độ cồn</span></div> </div> <p>Khi tổ tuân tra đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện thì một người đi cùng có hành vi lăng mạ, chửi bới lực lượng chức năng. Người này đề nghị lái xe không đo nồng độ cồn vì sợ lây nhiễm virus Covid-19 qua ống thổi.</p> <p>Dù lực lượng chức năng giải thích việc thổi vào máy đo nồng độ cồn là an toàn, mỗi người dùng một ống thổi riêng nhưng người ngồi trên xe máy không chịu còn có hành vi cản trở và chửi thề người thi hành công vụ.</p> <p>Sau khoảng 30 phút, người điều khiển xe máy vi phạm đã hợp tác, đồng ý thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn với kết quả vi phạm nồng độ cồn vượt quá quy định. Do đó, tổ tuân tra lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời tạm giữ giấy phép lái xe theo quy định.</p> <p>Liên quan đến hành vi cản trở người thi hành công vụ, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích hành vi cản trở người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.</p> <p>Nếu hậu quả được xác định là nghiêm trọng gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Việc lợi dụng dịch bệnh để đối phó, không chấp hành đo nồng độ cồn là vi phạm quy định.</p> <p>Thượng tá Trương Minh Cảnh – Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đối với việc đo nồng độ cồn, mỗi người được đo đều dùng ống thổi riêng, không dùng chung kể cả trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Do đó, người thổi hơi đo nồng độ cồn sẽ không bị lây nhiễm bệnh. Đối với những trường hợp gây cản trở, chống đối sẽ bị xử lý nghiêm.</p> <div> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Theo quy định, người điều khiển phương tiện giao thông bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, nếu người này từ chối, trốn tránh việc đo nồng độ cồn mà không có lý do chính đáng thì có thể xử phạt người này ở mức phạt cao nhất theo quy định tại Điều 5, và Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ.</p> <p>Theo quy định tại điểm g, khoản 8, điều 6 của Nghị định 100 thì người điều khiển mô tô này có thể bị phạt tới 8.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe có thời hạn 22-24 tháng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn.</p> </blockquote> </div> <p> </p> </div> <p> </p>