Loét miệng khó nuốt lo ung thư

(khoahocdoisong.vn) - Loét áp tơ miệng thể lớn, vết loét từ 10mm trở lên, thường xuất hiện từ 1 – 2 nốt, kéo dài từ vài tuần tới vài tháng, khi khỏi bệnh thường để lại sẹo, đặc biệt vết loét gây cảm giác rất đau, ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống của người bệnh.

Hỏi: Mỗi năm tôi thường bị vòm họng rộp phồng chảy máu 3 – 4 lần. Mỗi đợt kéo dài 5 – 10 ngày gây đau đớn không ăn uống được. Xin hỏi, tôi bị bệnh gì? Có phải là ung thư không?

Lê Xuân Thành (Hà Nội)

GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K: Với thông tin ít ỏi ông cung cấp rất khó chẩn đoán được ông bị bệnh gì. Tuy nhiên, với triệu chứng trên có thể ông đã bị bệnh loét áp tơ niêm mạc miệng thể lớn – loét miệng.

Loét miệng là bệnh phổ biến, chiếm tỷ lệ 20% dân số, thường gặp ở lứa tuổi từ 10 – 40. Thông thường bệnh nhân có  triệu chứng nóng rát trong miệng kéo dài 1 – 2 ngày, sau đó xuất hiện vết loét niêm mạc miệng trừ một số vị trí như: Môi, lợi, khẩu cái cứng.

Triệu chứng trung bình 7 – 14 ngày, đôi khi kéo dài đến 30 ngày hoặc hơn. Bệnh chia làm 3 loại: Loét thể nhỏ, thể lớn và thể giống Herpes. Đối với thể lớn, vết loét từ 10mm trở lên, thường xuất hiện từ 1 – 2 nốt, kéo dài từ vào tuần tới vài tháng, khi khỏi bệnh thường để lại lại sẹo, đặc biệt vết loét gây cảm giác rất đau, ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống của người bệnh.

Đặc biệt cũng cần lưu ý, có nhiều bệnh khác cũng gây loét ở miệng. Do đó, tốt nhất, ông nên đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng, các bác sĩ sẽ cho làm xét nghiệm từ đó có hướng điều trị cụ thể.

Theo Đời sống
back to top