Loạt bến xe “thả trôi” quy trình kiểm soát an toàn xe khách
Thiên Tuấn
PV đã tiếp cận, ghi nhận hàng loạt bất cập, buông lỏng quản lý, vận hành phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định tại bến xe địa phương.
Pháp luật đã quy định chi tiết về việc xây dựng, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên những quy trình này đang bị chính các doanh nghiệp, cơ quan quản lý “thả trôi”, tiềm ẩn TNGT và tạo môi trường cạnh tranh kinh doanh vận tảikhông công bằng.
Xe không vào bến vẫn được ký lệnh vận chuyển
Khoảng 11h5 trưa 29/3, ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, xe khách BKS 29B - 203.94 của nhà xe Vân Anh Limousine sau khi đón khách tại văn phòng đại diện ở 40 Lê Hoàn (TP Thanh Hoá), tài xế cho xe lùi ra đường Lê Hoàn rồi di chuyển theo cung đường Trường Thi - Nguyễn Phúc Chu ra Quốc lộ 1A. Khi đến cổng bến phía Bắc Thanh Hóa (nơi xe đăng ký xuất bến đi bến xe Nước Ngầm – Hà Nội), chiếc xe chạy thẳng về phía TP Hà Nội mà không rẽ vào bến để thực hiện quy trình kiểm soát an toàn kỹ thuật và thủ tục xuất bến như quy định.
Chừng 1 tiếng sau, cũng tại văn phòng đại diện trên, chiếc xe khách BKS 36F - 003.09 của nhà xe Vân Anh Limousine tiếp tục di chuyển với lộ trình tương tự để về Bến xe Nước Ngầm mà không cần vào bến xe phía Bắc Thanh Hoá để đóng lệnh vận chuyển như quy định của xe khách tuyến cố định.
Khi đến cây xăng dầu trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Hà Trung, chiếc xe này đón 1 khách dọc đường, sau đó, ghé vào trạm dừng nghỉ trên cao tốc Ninh Bình chừng 15 phút rồi chạy thẳng về Hà Nội. Đúng 14h30, chiếc xe vào Bến xe Nước Ngầm.
Xe khách BKS 36F - 003.09 của nhà xe Vân Anh Limousine không vào bến xe phía Bắc Thanh Hóa, nhưng vẫn được cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến.
Theo điều tra của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, dù chiếc xe khách BKS 29B - 203.94 và 36F - 003.09 không vào bến xe phía Bắc Thanh Hoá ở thời điểm biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt mà thay vào đó là xuất phát từ văn phòng ở 40 Lê Hoàn, nhưng cả 2 chiếc xe này vẫn có lệnh vận chuyển xuất bến xe lần lượt là 11h và 12h ngày 29/3 và được bến xe phía Bắc Thanh Hóa (Công ty CP quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa) đóng dấu “Xe xuất bến”, sau đó được Bến xe Nước Ngầm tiếp nhận, đóng dấu “Đã kiểm soát” vào chiều cùng ngày.
Tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào lúc 14h11 ngày 7/4, xe khách tuyến cố định BKS 17B – 005.33 của nhà xe Phiệt Học (chạy tuyến Tiền Hải – Giáp Bát) xuất phát từ văn phòng bán vé số 22 Nguyễn Công Trứ, phố Tiểu Hoàng, thị trấn Tiền Hải rồi di chuyển chậm trên các tuyến đường nội thị để đón khách và nhận hàng ký gửi. Lúc này có 2 cán bộ CSGT điều khiển xe máy công vụ thực hiện tuần tra kiểm soát trên đường, nhưng cũng chỉ lướt qua chiếc xe mà không có hiệu lệnh nhắc nhở hay kiểm tra, xử lý.
Xe khách BKS 17B – 005.33 của nhà xe Phiệt Học thản nhiên chạy rùa bò để đón chờ khách nhưng CSGT chỉ lướt qua.
Khoảng 14h36, thay vì vào trong bến xe khách Tiền Hải (thuộc Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Tiền Hải), chiếc xe dừng ven đường, ngay trước cổng bến. Chừng 5 phút, chiếc xe tiếp tục chạy về phía huyện Kiến Xương để đón khách rồi chạy thẳng về TP Hà Nội. Đúng 16h55, xe khách BKS 17B – 005.33 vào Bến xe Giáp Bát.
Điều tra của PV cho thấy, chiếc xe khách BKS 17B – 005.33 của nhà xe Phiệt Học do lái xe Đào Văn Lộc điều khiển và được Bến xe khách Tiền Hải đóng dấu xác nhận xuất bến vào lệnh vận chuyển lúc 13h45. Tuy nhiên, thời điểm đóng dấu xác nhận, chiếc xe không có mặt tại bến và mãi tận 14h36 chiếc xe này mới có mặt ở ngoài cổng bến để chờ “vợt” khách, bốc hàng.
Xe khách tuyến cố định BKS 17B – 005.33 được cấp ký lệnh vận chuyển lúc 13h45' nhưng 14h36' chiếc xe này vẫn đỗ ở ngoài cổng bến xe khách Tiền Hải.
Lãnh đạo Bến xe khách Giáp Bát cho biết, xe khách BKS 17B – 005.33 của nhà xe Phiệt Học luôn về bến Giáp Bát trong khoảng thời gian 16h50 – 17h. Điều này cho thấy, chiếc xe khách cố tình hoạt động chậm gần 1 tiếng đồng hồ so với giờ xuất bến, gây ra việc cạnh tranh không công bằng với các doanh nghiệp vận tải khách khác.
Tiếp đó, vào khoảng 14h51, một chiếc xe khách khác của nhà xe Phiệt Học mang BKS 17B -018.33 (chạy tuyến cố định Tiền Hải – Giáp Bát) cũng dừng ngay trước cổng Bến xe khách Tiền Hải. Sau khi chờ đón khách, chiếc xe chạy thẳng về phía huyện Kiến Xương. Nhưng thay vì chạy theo hành trình về Bến xe Giáp Bát, chiếc xe này đã bỏ bến. Việc xe khách BKS 17B -018.33 bỏ bến chiều 7/4 được lãnh đạo Bến xe khách Giáp Bát xác nhận với PV Báo Tri thức và Cuộc sống vào sáng 8/4.
Tại bến xe Bồng Tiên (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), dù diện tích bến xe rộng hơn 1.000m2 nhưng trưa 7/4 cũng chỉ có một chiếc xe khách BKS 17B – 012.42 của nhà xe Mai Tuyên (chạy tuyến cố định Bồng Tiên – Giáp Bát) nằm trong bến. Người đàn ông tự giới thiệu là nhân viên đóng lệnh xuất bến của bến xe Bồng Tiên cho biết, chiếc xe xuất bến lúc 12h trưa và lệnh xuất bến, lệnh vận chuyển của chiếc xe BKS 17B – 012.42 cũng đã được ký trước đó một ngày (tức ngày 6/4). Việc đóng dấu xác nhận lệnh vận chuyển cho xe hoạt động ở bến xe Bồng Tiên được thực hiện “một lần cho hai ngày”.
Khoảng 11h50, tài xế xe BKS 17B – 012.42 có mặt tại bến xe Bồng Tiên nhưng không cần vào văn phòng bến xe lấy lệnh vận chuyển. Đúng 12h10, chiếc xe nổ máy rời bến xe rồi chạy về hướng xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư đón khách, xếp hàng hóa rồi di chuyển đến Hà Nội.
Thông tin từ lệnh vận chuyển của chiếc xe khách này ngày 7/4 thể hiện rõ: Giờ xuất Bến Bồng Tiên là 12h30 (thực tế xuất bến lúc 12h10), giờ đến Bến Giáp Bát là 14h50. Tuy nhiên, lệnh vận chuyển của xe khách BKS 17B – 012.42 có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa về thời gian.
Bến xe “xúi” hành khách ra ngoài đón xe
Vào hồi 9h36 ngày 3/4, PV Báo Tri thức và Cuộc sống có mặt tại cổng Bến xe khách Quán Lào (thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) và phát hiện chiếc xe khách BKS 36F – 005.89 của nhà xe Khiêm Oanh liên tục “vờn đường” để chờ đón khách. Khoảng 9h45, chiếc xe di chuyển về cửa trụ sở công ty Khiêm Oanh nằm trên Quốc lộ 45 rồi chạy thẳng về phía TP. Thanh Hóa đi Hà Nội. Trong khi, giờ xuất bến trong lệnh vận chuyển đã được Bến xe khách Quán Lào (Công ty TNHH Minh Quang) ký, đóng dấu xác nhận cho chiếc xe là 9h.
Chủ bến xe khách Quán Lào hướng dẫn PV ra nhà xe Khiêm Oanh để đón xe.
Trong vai hành khách có nhu cầu sử dụng xe tuyến cố định di chuyển từ bến xe khách Quán Lào đi bến xe Giáp Bát (Hà Nội), PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã vào trong bến xe khách Quán Lào để tìm xe, mua vé. Tuy nhiên, tại đây không có quầy bán vé, không có nhà chờ cho hành khách, thậm chí không có chiếc xe khách nào trong bến.
Khi thấy PV, chủ bến xe khách Quán Lào hồ hởi hướng dẫn PV di chuyển đến nhà xe Khiêm Oanh để đi Hà Nội, thậm chí vị này sẵn sàng đưa PV đến nhà xe vì chỉ cách bến chừng 1km.
Chủ bến xe khách Quán Lào cũng khẳng định xe khách không cần vào bến mà chỉ cần đến đóng lệnh vận chuyển. “Anh chỉ đóng lệnh thôi, khách hàng là thượng đế... nhà xe đi đón khắp nơi... ở địa phương nó thế”, chủ bến xe khách Quán Lào nói.
Tại bến xe khách Thịnh Long – Công ty CP vận tải Đức Lượng (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cũng diễn ra tình trạng “vườn không nhà trống” khi không có xe khách dừng đỗ trong bến. Ngay trước cổng bến được bố trí một phòng nhỏ để cho một nhân viên ngồi chờ đóng lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến khi các xe tuyến cố định tìm đến.
Theo đó, vào khoảng 16h57 ngày 6/4, xe khách BKS 18B – 024.11 của nhà xe Bính Hà (chạy tuyến cố định BX Thịnh Long – BX Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chạy đến và dừng ngay trước cổng bến xe khách Thịnh Long. Tài xế nhanh chóng chạy vào phòng đóng lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến. Chỉ 15 giây, lệnh vận chuyển của xe khách BKS 18B – 024.11 được nhân viên ký, đóng dấu xác nhận mà không cần tiến hành kiểm tra số lượng hành khách hay các điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Tương tự, vào lúc 17h12, xe khách BKS 18F – 005.10 của nhà xe Tuấn Dương (chạy tuyến cố định BX Thịnh Long – BX Yên Nghĩa, Hà Nội) cũng di chuyển đến cổng Bến xe khách Thịnh Long và được cấp lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến “chớp nhoáng”.
Nhân viên đóng lệnh vận chuyển Bến xe khách Thịnh Long tiết lộ: “Xe không vào bến xe để đón khách mà chỉ chạy ra bến để lấy lệnh vận chuyển. Thậm chí, nhà xe ra lấy lệnh trước rồi vào trung tâm thị trấn Thịnh Long chờ đón khách, bốc hàng”.
Lệnh vận chuyển được nhân viên bến xe khách Thịnh Long đóng "chớp nhoáng" cho xe khách BKS 18B – 024.11 của nhà xe Bính Hà.
Nhân viên này cũng thừa nhận, theo đúng quy định là không được đóng lệnh vận chuyển, lệnh xuất bến trước, nhưng do ở bến không có khách nên “châm chước” đóng lệnh cho các nhà xe.
Khi được hỏi nếu lái xe bị tước bằng lái, có nồng độ cồn hay ma túy nhưng vẫn điều khiển phương tiện thì sao?, nhân viên viên này nói: “Mình cũng không để ý, mình chỉ kiểm tra hạn thôi. Ở bến không trang bị máy kiểm tra nồng độ cồn, ma túy”.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 6, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT Quy định chi tiết về xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông áp dụng đối với bến xe khách, bến xe hàng
Khi xe vào bến
Nhân viên bến xe và người lái xe phải thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra, xác định phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động vận tải tại bến và xác nhận xe đến bến (áp dụng đối với bến xe khách);
b) Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí trả khách, trả hàng; cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe theo quy định;
c) Hướng dẫn người lái xe đưa xe vào đúng vị trí dừng đỗ theo quy định tại bến.
Khi xe vào vị trí đón khách (xếp hàng)
Trước khi cho phép xe vào vị trí đón khách, xếp hàng, nhân viên bến xe phải thực hiện kiểm tra và ghi chép vào sổ theo dõi xe ra, vào bến hoặc cập nhật vào phần mềm quản lý bến xe.
Đối với bến xe khách: thực hiện việc bán vé cho hành khách đi xe nếu đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe khách bán vé; giám sát quá trình xếp khách và hành lý lên xe trong khu vực bến để kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển hàng cấm, hàng dễ cháy, nổ, động vật sống trên xe khách; đảm bảo việc xếp hàng hóa ký gửi trên xe được thực hiện đúng quy định và không xếp hàng hóa ký gửi trên khoang hành khách; đảm bảo trên xe không xếp quá số lượng người được phép chở; hành khách đi xe đều phải có vé và được sắp xếp đúng chỗ theo số ghi trên vé;...
Giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trong khu vực bến xe.
Xe xuất bến
Trước khi cho xe xuất bến, nhân viên bến xe và người lái xe thực hiện các công việc sau:
a) Đối với bến xe khách: xác định tổng số vé đã bán được (trừ trường hợp đơn vị vận tải tự bán vé), người lái xe thực hiện việc thanh toán các khoản dịch vụ (trừ trường hợp thanh toán khác theo hợp đồng dịch vụ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị quản lý, khai thác bến xe) và cùng với nhân viên bến xe ký xác nhận, bàn giao các giấy tờ theo quy định. Kiểm tra và ký xác nhận các thông tin trên lệnh vận chuyển;...
c) Nhân viên bến xe chịu trách nhiệm ghi chép, xác nhận việc người lái xe đã thực hiện đầy đủ các thủ tục quy định cho xe xuất bến. Cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bến xe khi xe xuất bến theo quy định; tổng hợp những trường hợp không cho xe xuất bến theo quy định và tình hình an toàn giao thông tại bến xe.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đông nghẹt bến xe, kẹt cứng đường trước kỳ nghỉ lễ: