Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương hoặc xốp xương, là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần. Điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ bị chấn thương nhẹ.
TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến loãng xương, nhưng có thể phân loại loãng xương như sau:
Loãng xương người già (loãng xương tiên phát):
Thường xuất hiện trễ, diễn biến chậm, tăng từ từ và ít có những biến chứng nặng nề như gẫy xương hay lún xẹp các đốt sống.
Loãng xương sau mãn kinh làm nặng hơn tình trạng loãng xương ở phụ nữ do tuổi khiến giảm đột ngột oestrogen khi mãn kinh
Loãng xương thứ phát: Bệnh Loãng xương sẽ trở nên nặng nề hơn, sớm hơn, nhiều biến chứng hơn… nếu người bệnh có thêm một hoặc nhiều yếu tố:
– Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, Suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/phospho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… Vì vậy, khối lượng khoáng chất đỉnh của xương ở tuổi trưởng thành thấp, đây được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh Loãng xương.
– Tiền sử gia đình có cha, mẹ bị loãng xương hoặc gãy xương. Khi cha, mẹ bị loãng xương thì con cái cũng dễ mắc phải căn bệnh này.
– Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời, bất động quá lâu ngày do bệnh tật hoặc do nghề nghiệp.
– Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá… làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa.
– Bị mắc một số bệnh: Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn…), bệnh nội tiết : cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, bệnh suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây mất canxi qua đường tiết niệu, các bệnh xương khớp mạn tính đặc biệt là Viêm khớp dạng thấp và thoái hoá khớp...
– Cần sử dụng dài hạn một số thuốc: Chống động kinh, thuốc chữa tiểu đường, thuốc chống đông và đặc biệt là nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid.
Loãng xương là căn bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Nếu bạn mãn kinh sớm, uống corticosteroid trong nhiều tháng, hoặc một trong hai bố mẹ của bạn đã bị gãy xương hông thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán, và có hướng xử trí tốt nhất.