Ma trận kháng khuẩn
Gần đây thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm “kháng khuẩn” như thớt, máy lọc nước, máy quạt, tấm lót chén, thậm chí đến cả băng vệ sinh. Ngoài tác dụng thông thường, do có thêm tính năng “kháng khuẩn”, diệt các loại nấm mốc, thậm chí là vi-rút… nên sản phẩm khá thu hút người tiêu dùng.
Mới đây, bà Lê Thị Thơm (tổ 1 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua đươc một cặp đồ lót kháng khuẩn của một doanh nghiệp về tận khu phố nhà bà giới thiệu. Theo đó thì loại đồ lót này có thể kháng được mọi vi khuẩn, mặc vào không bị viêm nhiễm, không bốc mùi do được dệt từ các sợi nano. Với giá 500 ngàn đồng/chiếc quần lót và 1 triệu đồng/chiếc áo lót, không chỉ bà mà rất nhiều người nghe quảng cáo đã vội vàng mua ngay kẻo hết hàng.
Theo TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa, điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng, không phải sản phẩm nào cũng có thể ứng dụng được công nghệ kháng khuẩn, đa số đều được quảng cáo một cách phóng đại, thậm chí là bịa đặt bằng những mĩ từ nghe như rất khoa học, để đánh vào tâm lý khách hàng và móc túi người tiêu dùng. Bởi chắc chắn rằng, người tiêu dùng sẽ rất khó nhận biết những chiếc khẩu trang thường với những khẩu trang được cho là có khả năng kháng khuẩn, đâu là chiếc đệm có khả năng kháng khuẩn, đâu là đệm bình thường. Và đồ lót dệt bằng sợi nano lại càng vô lý, không có loại sợi nào là sợi nano cả, mà nano chỉ là dạng tồn tại của vật liệu.
“Công nghệ kháng khuẩn đòi hỏi quy trình sản xuất và vật liệu rất phức tạp, có giá thành cao và chỉ sử dụng vào những mục đích như trị liệu chứ ít dùng một cách phổ thông. Nhưng hiện trên thị trường, tình trạng quảng cáo bát nháo rất phổ biến. Người ta cứ thổi phồng tác dụng, thậm chí là bịa đặt, đánh vào sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.
Độc hại hơn vì “kháng chuẩn”
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, cho dù được áp dụng công nghệ kháng khuẩn đi chăng nữa, việc sử dụng những sản phẩm này giống như con dao hai lưỡi. Bởi nếu là công nghệ kháng khuẩn kém chất lượng sẽ rất nguy hại đến sức khỏe người sử dụng, chất có tác dụng kháng khuẩn trên sản phẩm có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình sử dụng.
Chẳng hạn, với thớt kháng khuẩn, bề mặt thớt có tráng một lớp ion bạc. Khi băm thái thức ăn, lớp bạc này nhanh chóng bong tróc, theo thức ăn vào cơ thể người. Theo nghiên cứu, bạc vô hại đối với sức khỏe, nhưng tấm thớt không còn lớp bạc thì chúng là “ổ vi khuẩn” giống các sản phẩm thớt khác.
Hay như quạt điện kháng khuẩn là rất vô lý. Vì nguyên lý hoạt động của quạt rất đơn giản: thổi không khí đằng trước và hút đằng sau, không có bộ phận nào lọc và giữ vi khuẩn. Nếu quạt có cấu tạo tỏa ra chất “kháng khuẩn” là ozone thì lại vô cùng nguy hiểm.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Vật lý TP.HCM khẳng định, các sản phẩm như bàn chải đánh răng, bình sữa… bạc được pha trộn, bao phủ trong thành phần của vật liệu làm sản phẩm. Khi có sự tiếp xúc của nước với các hạt nano bạc, một lượng nhất định các ion bạc được giải phóng sẽ tạo ra hiệu quả kháng khuẩn, diệt nấm mốc ở một mức độ nhất định. Với các sản phẩm như đồ lót, khăn ướt, khăn mặt, drap trải giường… nano bạc có thể được tẩm qua bề mặt của sợi hoặc đưa vào trong sản phẩm.
Với khăn ướt, bạc chỉ có khả năng sạch khuẩn; với đồ lót chúng chỉ có khả năng chống hôi, nấm mốc, giảm thiểu khả năng bám khuẩn và phát triển vi khuẩn trên bề mặt. Những sản phẩm này được chứng nhận là an toàn, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, lượng bạc được sử dụng rất nhỏ, chúng chỉ tạo ra hiệu quả nhất định và thời gian có tác dụng diệt khuẩn cũng rất hữu hạn. Sau khi giặt một số lần, sử dụng một thời gian sẽ hết tác dụng.
Người tiêu dùng cần phải thận trọng khi lựa chọn và sử dụng những sản phẩm được quảng cáo là kháng khuẩn. Đừng vì quá tin vào quảng cáo mà bỏ số tiền lớn để mua về sử dụng trong khi hiệu quả thực sự không đến đâu mà còn có nguy cơ gây hại sức khỏe.