Một thị trường bỏ ngỏ
Với tâm lý lo ngại rủi ro Covid-19 khi trực tiếp đến mua sắm tại các cửa hàng mỹ phẩm, nhiều chị em đã chuyển sang đặt hàng thông qua các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Điều này đã khiến cho thị trường mỹ phẩm online vốn đã phát triển, nay lại càng bùng nổ hơn.
Dễ dàng bắt gặp trên các trang mạng xã hội là những bài viết, hình ảnh, phát video trực tiếp (livestream) quảng cáo mỹ phẩm, được gắn mác là “mỹ phẩm xách tay”. Theo người bán, nguồn gốc xuất xứ mỹ phẩm cũng rất đa dạng, từ Đức, Pháp, Mỹ cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc... Hầu hết không thấy trang mua bán nào thể hiện mỹ phẩm xách tay từ Trung Quốc.
Điểm chung của các bài đăng quảng cáo mỹ phẩm trên là giá bán sản phẩm rẻ hơn nhiều so với giá trên web chính hãng. Đồng thời, người bán còn đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, miễn phí vận chuyển. Bởi vậy nên những bài quảng cáo này thu hút hàng nghìn lượt xem và chia sẻ, đơn đặt hàng liên tục gửi vào phần bình luận trên livestream.
Chị Hà Lê (23 tuổi, Hà Nội), một chủ shop mỹ phẩm online chia sẻ, nhiều khách hàng có quan niệm hàng xách tay không những giá rẻ hơn, mà còn có chất lượng tốt hơn cả những sản phẩm chính hãng được bán ở Việt Nam. Bởi vậy nên mỹ phẩm xách tay là mặt hàng có nhu cầu rất lớn, kinh doanh mỹ phẩm online cho thu nhập tốt và ổn định.
Mới đây, nhận thấy được thị trường tiềm năng này, sàn thương mại điện tử mỹ phẩm hàng đầu Indonesia Sociolla Bella đã gia nhập vào Việt Nam. Điều này đủ cho thấy, mỹ phẩm online tại Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng
Loạn chất lượng
Nhiều hãng hàng không hiện giờ vẫn chưa được bay thương mại, nên hàng xách tay suốt gần 1 năm rưỡi qua khó về tới Việt Nam với khối lượng lớn như trước khi xảy ra dịch. Vậy đằng sau câu chuyện quảng cáo tràn lan khi mua sắm trực tuyến mỹ phẩm xách tay là gì?
Chị Trần Thị Hồng (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, chị đã từng vài lần gặp tai nạn khi mua mỹ phẩm online. Một lần chị mua son được quảng cáo là xách tay từ Mỹ tại một gian hàng mỹ phẩm trên Shopee, có giá bán khuyến mãi là 450.000đ. Chủ gian hàng cam kết son chính hãng, có độ mịn, độ bám cao, không gây khô môi. Nhưng khi sử dụng, chị Hồng nhận thấy chất lượng son rất kém, không giống như sản phẩm chị từng mua tại store chính hãng.
Hay một lần khác, chị đặt mua chai sữa tắm cùng với bạn bè để được giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi nhận hàng, sữa tắm có mùi rất hắc, nồng nặc mùi hóa chất, khác với chai sữa tắm chị đặt trên web của hãng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh tiến hành kiểm tra phát hiện lượng lớn mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Trị giá số hàng hóa này ước tính trên 260 triệu đồng.
Hay vào ngày 19/5 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường huyện Bắc Sơn đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 37 lọ kem dưỡng da, nhãn hiệu Bodygel, loại 100ml/lọ nhập lậu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tất cả đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ việc mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị bắt giữ và tiêu hủy. Điều này đặt ra câu hỏi, mỹ phẩm xách tay được bán online tại Việt Nam, liệu có đúng là “xách tay” như quảng cáo.
Suốt nhiều năm qua, cơ quan chức năng đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng hiệu quả cũng chưa đạt như mong muốn. Tuy nhiên, những quy định xử phạt chỉ dừng lại ở phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Cụ thể, cách đây vài ngày, Tạ Thị Quỳnh Anh, vợ của diễn viên Lê Dương Bảo Lâm bị phạt 50 triệu vì bán nước hoa giả mạo các thương hiệu đình đám được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam. Không chỉ bị xử phạt hành chính, cửa hàng của vợ Lê Dương Bảo Lâm còn bị đình chỉ kinh doanh trong thời gian 2 tháng.
Bất chấp việc bị đình chỉ, tối ngày 7/6, vợ Lê Dương Bảo Lâm tiếp tục livestream bán hàng công khai. Tuy nhiên, trong lần livestream này, Quỳnh Anh không bán những mặt hàng mỹ phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng mà chỉ bán những phụ kiện như khẩu trang, bông trang điểm...
Có thể thấy, thị trường mỹ phẩm trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn bát nháo, chưa có sự quản lý trực tiếp của quản lý thị trường. Người tiêu dùng chỉ có thể dựa trên niềm tin để “chọn mặt gửi vàng”.