Loài thú tuyệt tích 60 năm, bất ngờ lộ diện ở nơi không ngờ tới
Thiên Trang (TH)
Loài thú này được phát hiện lại vào cuối năm 2023 trong một chuyến thám hiểm của các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và tổ chức phi chính phủ Indonesia Yayasan Pelayanan Papua Nenda (YAPPENDA).
Trong thế giới động vật đầy đa dạng và phong phú, có những loài thú kỳ lạ và bí ẩn đến mức chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng chúng qua những câu chuyện cổ tích hay các tài liệu khoa học cổ xưa. Thú lông nhím mỏ dài Attenborough (Zaglossus attenboroughi) là một trong những loài vật như vậy. Sau gần 62 năm tưởng chừng đã tuyệt chủng, loài động vật có vú để trứng này bất ngờ được tìm thấy lại ở một nơi gần như chưa ai đặt chân đến. (Ảnh: Species New to Science)
Thú lông nhím mỏ dài Attenborough được đặt tên theo nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh - David Attenborough. Chúng có hình thù kỳ lạ với thân mình phủ đầy gai như nhím, mõm dài như thú ăn kiến, và bàn chân giống chuột chũi. Điểm đặc biệt của loài này là thuộc bộ đơn huyệt, những loài động vật có vú nhưng lại đẻ trứng thay vì sinh con, là một trong năm loài thú đơn huyệt còn sót lại trên trái đất.(Ảnh: Vajiram & Ravi)
Lần cuối cùng thú lông nhím mỏ dài Attenborough được nhìn thấy là vào năm 1961. Từ đó đến nay, loài vật này đã biến mất hoàn toàn khỏi tầm mắt con người, khiến nhiều nhà khoa học cho rằng chúng đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ Đại học Oxford và tổ chức phi chính phủ Indonesia Yayasan Pelayanan Papua Nenda (YAPPENDA), cùng các đối tác địa phương, đã tổ chức một chuyến thám hiểm đáng nhớ để tìm kiếm loài vật bí ẩn này.(Ảnh: The Mirror US)
Cuộc hành trình kéo dài hàng tuần qua những vùng đất hiểm trở và đầy nguy hiểm của tỉnh Papua, Indonesia. Các nhà khoa học đã phải đối mặt với các loài động vật có nọc độc, đỉa hút máu, sốt rét, động đất và cái nóng thiêu đốt. Họ còn phải leo lên nhiều ngọn núi với tổng độ cao hơn 11.000 mét, cao hơn cả đỉnh Everest, chỉ để tìm kiếm dấu vết của loài thú lông nhím mỏ dài Attenborough.(Ảnh: WAWA Conservation)
Ngoài sự kiên trì và quyết tâm, các nhà khoa học còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ người dân địa phương và sử dụng hơn 80 máy quay theo dõi. Tuy nhiên, suốt 4 tuần trong rừng, họ vẫn không tìm thấy gì. Chỉ đến ngày cuối cùng của cuộc thám hiểm, khi kiểm tra chiếc thẻ nhớ cuối cùng từ các camera, họ mới phát hiện được hình ảnh của sinh vật kỳ lạ này.(Ảnh: CAFEF)
Phát hiện về thú lông nhím mỏ dài Attenborough không chỉ là một thành tựu khoa học quan trọng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về việc bảo tồn đa dạng sinh học. Loài thú này không chỉ đại diện cho sự kỳ diệu của thiên nhiên mà còn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật quý hiếm.(Ảnh: Mongabay)
Tiến sĩ James Kempton, người đã lên ý tưởng và chỉ đạo chuyến thám hiểm, cho biết: “Khám phá này là kết quả của rất nhiều công sức và hơn 3 năm rưỡi lên kế hoạch. Mặc dù một số người có thể mô tả vùng núi Cyclops - nơi tìm thấy thú lông nhím mỏ dài Attenborough - là ‘địa ngục xanh’, nhưng tôi nghĩ quang cảnh ở đó thật kỳ diệu”.(Ảnh: Re:wild)
Mời quý độc giả xem thêm video: Loài thú quý hiếm bỗng tái xuất ở Việt Nam sau 30 năm mất tích.