Loại củ 'ngoài đen trong trắng' giúp tăng cường sức khỏe lá lách

Khoai sọ là thực phẩm quen thuộc có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình. Không chỉ mang lại cảm giác ngon miệng mà đây còn là loại giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Khoai sọ là thực phẩm có tính kiềm, giàu carbohydrate, protein, carotene, vitamin tổng hợp và nhiều khoáng chất khác nhau như canxi, phốt pho, sắt, kali, magie, natri, flo...

Ăn loại củ này thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe lá lách. Nó còn có nhiều lợi ích tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện táo bón, bảo vệ răng, cải thiện khả năng miễn dịch...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tác dụng của loại củ "ngoài đen trong trắng"

Tốt cho tim mạch

Khoai sọ là nguồn cung cấp Kali - chất khoáng quan trọng với tế bào và chất dịch trong cơ thể. Bằng cách phá vỡ lượng muối dư thừa, Kali có thể kiểm soát và làm giảm huyết áp. Do đó góp phần ổn định nhịp tim và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Không chỉ vậy, hàm lượng chất xơ chứa trong loại củ này còn có tác dụng giảm Cholesterol - một yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch, mạch vành. Do đó, thành mạch máu sẽ không bị xơ vữa, tắc nghẽn nên trái tim sẽ luôn hoạt động khỏe mạnh. Ngoài ra, tinh bột kháng của khoai sọ cũng mang đến nhiều lợi ích như: tăng độ nhạy của Insulin trong cơ thể, giảm dự trữ chất béo, giảm phản ứng Insulinemia,…

Hàm lượng chất xơ chứa trong khoai sọ có tác dụng giảm Cholesterol, từ đó giúp ổn định nhịp tim và ngăn ngừa các bệnh mạn tính.

Chống lão hóa da

Trong khoai sọ vitamin E, vitamin A là hai loại vitamin có khả năng chống lại sự lão hóa. Nếu bổ sung loại củ này bạn sẽ giảm thiểu và làm mờ được các nếp nhăn, vết thâm.

Cải thiện hệ tiêu hóa

Trong thành phần của loại củ này chứa tới 27% chất xơ nên được phân giải và hấp thụ hoàn toàn. Phân được tạo ra sau đó sẽ di chuyển nhanh xuống ruột và thải ra ngoài dễ dàng.

Ngăn ngừa suy nhược

Khoai sọ là loại thực phẩm chứa nhiều Gluxit, cung cấp năng lượng cho hệ thần kinh hoạt động. Do đó những người mới ốm dậy, người gầy, người có dấu hiệu suy nhược cơ thể nên bổ sung khoai sọ vào các bữa ăn.

Tăng lưu thông máu

Khoai sọ là loại thực phẩm chứa nhiều sắt và đồng là những khoáng chất cần thiết cho quá trình tái tạo máu. Bên cạnh việc tăng cường lưu thông máu, chúng còn đẩy mạnh tốc độ trao đổi chất trong cơ thể. Khi bị thiếu máu nên thêm vào thực đơn của mình những món ăn chế biến từ khoai sọ.

Duy trì thị lực tốt hơn

Vitamin A như beta-carotene và cryptoxanthin là những chất chống oxy hóa chính trong khoai sọ giúp cải thiện thị lực và sức khỏe của mắt nói chung. Vitamin A đã được chứng minh là hữu ích trong việc bôi trơn mắt khô. Nó cũng làm giảm nguy cơ mất thị lực có thể xảy ra do thoái hóa hoàng điểm. Vitamin A kết hợp với lutein có thể giúp cải thiện tình trạng cho những người bị mất thị lực ngoại vi.

Những món ăn bổ dưỡng từ khoai sọ

Xương heo hầm khoai sọ

Xương heo hầm khoai sọ là một trong những món ăn quen thuộc, dễ chế biến nhưng lại rất bổ dưỡng. Khi bị nổi phát ban dị ứng, đau nhức tay chân thì bạn nên nấu món này:

Cách thực hiện như sau:

Ban đầu chuẩn bị khoảng 60g khoai sọ, 100g xương heo

Sơ chế: Khoai sọ gọt bỏ vỏ ngoài và rửa sạch, xương heo rửa sạch, chặt thành từng đoạn ngắn.

Sau đó cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ nước ngập mặt xương và nêm thêm gia vị, đun nhỏ lửa trong vòng 2 giờ.

Cuối cùng bỏ thêm hành lá, rau mùi rồi múc ra tô để thưởng thức.

Cháo khoai sọ

Nếu đang mệt mỏi, đuối sức và có dấu hiệu suy nhược cơ thể, thì món cháo khoai sọ sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng.

Nguyên liệu rất đơn giản, chỉ cần chuẩn bị 200g khoai sọ, 50g củ mài và 50g gạo tẻ. Sau khi đã sơ chế xong, có thể bỏ tất cả vào nồi và nấu cho đến khi các nguyên liệu mềm nhừ.

Chè khoai sọ táo tàu:

Khoai sọ 250g (gọt vỏ thái thành miếng nhỏ), táo tàu 50g, đường đỏ 50g, nấu nhỏ lửa thành món chè, chia 3 - 4 lần ăn trong ngày. Dùng để bồi dưỡng cho những trường hợp cơ thể suy nhược, phiền khát sau khi ốm dậy.

Tác dụng phụ của củ khoai sọ

Khoai sọ chứa nhiều carbohydrate và tinh bột. Tinh bột thường được giáng hóa thành glucose và chuyển thành năng lượng. Việc ăn quá nhiều carbohydrate thông qua khoai sọ sẽ khiến cơ thể dự trữ mỡ và dẫn đến tăng cân. Ăn quá nhiều carbohydrate hơn mức cần thiết trong một ngày, có thể làm tăng lượng đường trong máu, đặt bạn vào nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường.

Ngoài ra, tốt nhất là không thêm nhiều thành phần khác như bơ, kem chua và các thành phần chất béo khác khi chế biến, có thể làm tăng lượng calo. Do đó, nên ăn khoai sọ như một món phụ hoặc chỉ là một bữa ăn nhiều tinh bột trong ngày cùng với một số loại rau. Điều đó giữ cho bữa ăn cân bằng mà không làm quá nhiều calo.

Theo Đời sống
back to top