Trong bộ phim "Tiên Kiếm Kỳ Hiệp 3", Phi Bồng tướng quân – tiền kiếp của nam chính Cảnh Thiên – là vị thần uy mãnh, trấn giữ Thần Ma Chi Tỉnh và được ca tụng là đệ nhất cao thủ Thần Giới. Nhưng số phận của vị tướng quân này lại đầy bi kịch, vì dám đấu riêng với Ma Tôn Trọng Lâu, ông bị giáng xuống nhân gian, trải qua những khổ đau và luân hồi không dứt. Điều đặc biệt, tên gọi "Phi Bồng" của ông lại gắn liền với hình tượng một loài cỏ dại tên là cỏ phi bồng hay bỏ bồng, cỏ ngựa.
Cỏ phi bồng, hay còn gọi là tiểu bồng thảo (tên khoa học là Erigeron canadensis), là một loài cỏ dại sống một năm, thuộc họ Cúc. Rễ có dạng hình thoi, thân thẳng đứng, cao từ 50-100cm hoặc hơn, có các rãnh và sọc, lông thưa dài. Lá mọc dày, lá gốc thường khô héo vào mùa hoa nở. Lá phía dưới có hình mác ngược. Đặc điểm nổi bật nhất của loài này là hoa nhỏ, có dạng đầu cụm với đường kính khoảng 3-4mm, xếp thành cụm hoa hình chóp đa nhánh.
Cỏ phi bồng, hay còn gọi là tiểu bồng thảo (tên khoa học là Erigeron canadensis). |
Loài cây này nổi bật với khả năng phát tán hạt giống qua gió, giúp chúng sinh trưởng khắp nơi, từ các cánh đồng đến những khe nứt bê tông chật hẹp. Ở Trung Quốc, cỏ phi bồng là một trong những loài xâm lấn phổ biến nhất, gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng và mùa màng.
Vậy tại sao một loài cỏ tưởng chừng mộc mạc, hoang dại lại trở thành biểu tượng cho một vị thần hùng mạnh như Phi Bồng Tướng Quân? Cỏ phi bồng tuy nhỏ bé nhưng mang trong mình sức sống đáng kinh ngạc. Dù phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt, loài cây này vẫn có thể vươn cao tới 2 mét, thậm chí bén rễ ở những nơi tưởng chừng không thể. Hạt giống nhỏ của phi bồng thảo được bao bọc bởi những mào lông nhẹ, nhờ gió mà phát tán đi xa, gieo mầm ở những vùng đất mới.
Sự phiêu bạt và khả năng thích nghi của cỏ phi bồng khiến người ta liên tưởng đến số phận của Phi Bồng Tướng Quân. Là vị thần giữ trọng trách cao cả, ông lại phải rời xa quê hương thần giới, lang bạt nơi nhân gian. Sự cô độc của ông như những hạt giống phi bồng, luôn mang trong mình nỗi niềm xa cách nhưng không bao giờ gục ngã.
Tuy rằng ít người nhớ mặt nhớ tên nhưng cỏ phi bồng mang trong mình truyền thuyết rất cuốn hút. |
Trong truyền thuyết, Phi Bồng tướng quân không chỉ mạnh mẽ mà còn đầy tự tôn. Dù bị đày xuống trần gian, ông vẫn giữ trọn khí chất của một vị thần, chống chọi với mọi nghịch cảnh. Tương tự, cỏ phi bồng không chỉ lan rộng nhờ sức sống mãnh liệt mà còn có khả năng vượt qua sự cạnh tranh với các loài cây khác. Loài cây này tiết ra chất hóa học ngăn cản sự phát triển của cây cối xung quanh, tạo nên vùng sinh trưởng riêng biệt, giống như cách Phi Bồng tướng quân luôn giữ được bản lĩnh riêng dù đối mặt với muôn trùng thử thách.
Mặc dù gây hại cho nông nghiệp, cỏ phi bồng vẫn có những giá trị nhất định. Nó có giá trị nông nghiệp khi thân và lá non có thể dùng làm thức ăn cho lợn. Đồng thời, loài cây này cũng có tác dụng dược liệu, giúp tiêu viêm, cầm máu, trị phong thấp, và chữa các bệnh như tiểu ra máu, phù nề, viêm gan, viêm túi mật, chốc đầu ở trẻ em. Theo tài liệu, người Bắc Mỹ xưa dùng tiểu bồng thảo để chữa bệnh kiết lỵ, tiêu chảy, vết thương và tẩy giun. Tại Trung Âu, cây tươi thường được sử dụng như một loại thuốc cầm máu, nhưng cần lưu ý, nhựa và lá nghiền của cây có thể gây kích ứng da.
Sự tương phản giữa tính xâm lấn và khả năng chữa lành của phi bồng thảo cũng phản ánh hai mặt trong câu chuyện của Phi Bồng tướng quân. Dù bị xem là "kẻ phá vỡ trật tự thần giới", ông vẫn là nhân vật mang lại ánh sáng, sự thay đổi trong hành trình của mình.