Lộ trình loại bỏ glyphosate kéo dài... 1 năm
Quyết định này được dựa trên những nghiên cứu mà Bộ NN&PTNT thực hiện từ năm 2015, khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư nhóm 2A đối với thuốc bảo vệ thực vật chứa glyphosate.
Đặc biệt, dựa trên những phán quyết tại 2 phiên tòa ở Mỹ kiện Monsanto (hiện là một bộ phận của Tập đoàn Bayer, có chuyên môn trong các lĩnh vực về khoa học đời sống, bao gồm chăm sóc sức khoẻ và nông nghiệp), glyphosate được xác định trong thuốc diệt cỏ Roundup là tác nhân quan trọng gây ung thư cho 2 công dân Mỹ.
Tại Việt Nam, hoạt chất glyphosate có khoảng 104 tên thương mại khác nhau. Quyết định loại bỏ glyphosate chính thức được thực hiện sau 60 ngày kể từ ngày 10/4. Lộ trình cho phép sử dụng hết hoạt chất đã nhập khẩu và kinh doanh kéo dài 1 năm.
Thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto. |
Đơn vị liên quan nói gì?
Ngày sau khi nhận được thông tin nêu trên, Tập đoàn Bayer đã bày tỏ quan điểm tôn trọng và chia sẻ mối quan tâm về quyết định này.
Cụ thể, Tập đoàn Bayer cho biết, theo thông báo thì quyết định này được dưa trên tác động của tiến trình tranh tụng tại Hoa Kỳ. Cuộc tranh tụng này không thể thay đổi được các bằng chứng khoa học vững chắc, đầy đủ và các kết luận của các nhà quản lý trên toàn thế giới về tính an toàn của thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate trong hơn bốn thập kỷ qua.
Các sản phẩm thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất glyphosate đã có mặt trên thị trường thế giới hơn 40 năm qua và là trong số những sản phẩm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất trong số các loại thuốc bảo vệ thực vật. Hàng trăm nghiên cứu được đệ trình lên các cơ quan quản lý, cùng với các kết quả nghiên cứu khoa học được phản biện đều khẳng định những sản phẩm này có thể được sử dụng một cách an toàn. Các đánh giá liên tục trong nhiều năm của các cơ quan quản lý và khoa học cũng chứng minh rằng, glyphosate không là tác nhân gây ung thư.
Đơn cử là Cơ quan Môi sinh Hoa Kỳ (EPA), Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và các cơ quan quản lý khác của Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Brazil và nhiều quốc gia thường xuyên đánh giá lại các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp phép và đều nhất quán tái khẳng định rằng, glyphosate không là tác nhân gây ung thư.
Bộ Y tế Canada gần đây nhất cũng khẳng định: “Cho đến nay không có cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật nào trên thế giới kết luận glyphosate là nguyên nhân gây ung thư cho con người khi sử dụng ở liều lượng mà hiện nay con người đang tiếp xúc”.
“Chúng tôi đã chứng kiến những tác động tiêu cực khi người nông dân không được tiếp cận và sử dụng công cụ thiết yếu này. Sri Lanka ra quyết định cấm glyphosate vào năm 2015. Tuy nhiên, lệnh cấm này sau đó đã phải được gỡ bỏ trên chè và cao su vào năm 2018 sau khi người nông dân lên tiếng về tác động kinh tế to lớn và những thiệt hại không thể bù đắp được trong sản xuất, kinh doanh của họ.
Nông dân Việt Nam cần được tránh khỏi bài học này và nên được sử dụng các công cụ được cấp phép giống như nông dân trên thế giới vẫn đang sử dụng và hưởng lợi”, Tập đoàn Bayer thông tin.
Tập đoàn Bayer ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tập đoàn Bayer sẽ tiếp tục đồng hành, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ nông dân Việt Nam phát triển kinh tế nông thôn và bảo vệ môi trường.