Theo kế hoạch, văcxin Sputnik V này sẽ được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng toàn dân.
Văcxin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, văcxin Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 23/3/2021.
Đây là văcxin sử dụng công nghệ tái tổ hợp mang gene mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Văcxin được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, văcxin Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6%. Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH cho biết: “Lô văcxin Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam đã được phía Nga phân tích và đánh giá đáp ứng yêu cầu quy chuẩn. Qua đó, người dân Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn văcxin phòng Covid-19, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
VABIOTECH, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất văcxin Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam.
Theo hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu với số lượng hàng giai đoạn đầu tiên từ nay tới tháng 6/2022 là 40 triệu liều văcxin.
Ngày 21/7, VABIOTECH đã chính thức sản xuất thử nghiệm văcxin Sputnik V tại Việt Nam. Quy mô gia công, đóng ống văcxin Sputnik V từ bán thành phẩm là 5 triệu liều một tháng, dự kiến nâng lên 100 triệu liều một năm.
Lô vắcxin đầu tiên 30.000 liều đã được VABIOTECH đóng ống, trong đó 10.000 mẫu được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng. Sau khi có trả lời từ phía Nga, VABIOTECH đang làm việc với các đơn vị liên quan để xin cấp phép xuất xưởng cho các lô này.
Ngày 26/9, VABIOTECH công bố sản xuất thành công lô vắcxin phòng Covid-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quy chuẩn được Viện Gamalaya (LB Nga) phân tích và thẩm định.
Tại Việt Nam, Sputnik V hiện là văcxin duy nhất đã thành công trong việc chuyển giao công nghệ. Qua đó không những đảm bảo nhu cầu văcxin trong nước, mà còn từng bước giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất văcxin Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á.