<div> <p>Sáng 12/3, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề soạn thảo, sử dụng sách giáo khoa khi có nhiều tổ chức cùng tham gia biên soạn nhận được nhiều ý kiến góp ý.</p> <h3>Băn khoăn tiêu cực có thể xảy ra trong lựa chọn sách giáo khoa</h3> <p>Điều 31 dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định sắp tới, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa trên cơ sở xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.</p> <p>Ông <span>Hà Ngọc Chiến</span>, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, cho rằng việc thay đổi sách giáo khoa hiện nay là cần thiết nhưng việc biên soạn nhiều sách giáo khoa đối với cấp tiểu học sẽ gây lãng phí. Ông Chiến đề nghị nên ban hành nhiều bộ sách đối với cấp học có tính chất hướng nghiệp như THPT.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Lo ngai 'chay chot' trong lua chon sach giao khoa hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/12/bangan_zing(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Chủ tịch Quốc hội <span>Nguyễn Thị Kim Ngân</span>. Ảnh: <em>Thắng Quang.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn về một số khó khăn và tiêu cực có thể xảy ra trong lựa chọn sách giáo khoa theo quy định mới.</p> <p>"Lựa chọn sử dụng giảng dạy là việc của trường sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Quy định như vậy thì phức tạp quá. Làm sao cha mẹ học sinh biết nên chọn sách nào. Rồi lại có xu hướng “chạy” để bộ sách của mình sử dụng ở trường này, tỉnh nọ”, bà Ngân lo ngại.</p> <p>Chủ tịch Quốc hội cho rằng có những môn học như lịch sử, địa lý… không thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Các chuyên gia muốn nhiều bộ sách giáo khoa thì phải quy định rõ vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc thẩm định, phát hành. Ngoài ra, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa nhưng các trường không sử dụng thì phải xem xét vai trò của Bộ trong việc này.</p> <p>Còn bà <span>Lê Thị Nga</span>, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, băn khoăn khi dự thảo luật chưa quy định nào liên quan đến việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục. Trong phần trách nhiệm của nhà trường, bà Nga đề nghị có điều khoản xác định trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục đối với trẻ em và người dưới 18.</p> <p>Cũng quan tâm đến các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo, Trưởng ban Dân nguyện <span>Nguyễn Thanh Hải</span> nói quy định hiện hành chỉ liên quan giờ học chính khóa. Nhưng như vụ thầy giáo sàm sỡ hàng loạt học sinh tiểu học Bắc Giang lại diễn ra vào giờ học thêm.</p> <p>Bà Hải đặt câu hỏi nếu sai phạm thì xử lý theo pháp luật, nhưng ngoài ra việc quản lý Nhà nước đối với vấn đề này thế nào?</p> <h3>Sách giáo khoa nào cũng chính thống</h3> <p>Thay mặt cơ quan thẩm định, ông <span>Phan Thanh Bình</span> Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, cho biết cách học, cách dạy hiện nay đã thay đổi từ giảng dạy kiến thức sang đào tạo năng lực. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là phương tiện. Học sinh có thể dùng sách giáo khoa hoặc tài liệu trên mạng Internet.</p> <p>Bộ GD&ĐT với trách nhiệm của mình sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông quy định cụ thể lượng học cái gì, như thế này. Từ chương trình này, phía soạn thảo mới viết sách giáo khoa để muốn công bố phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Và Bộ trưởng GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm về chương trình, chất lượng sách giáo khoa. Việc lựa chọn bộ sách nào thuộc cơ sở giáo dục.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Lo ngai 'chay chot' trong lua chon sach giao khoa hinh anh 2 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/12/pho_thu_tuong_vu_duc_dam_3_1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Phó thủ tướng <span>Vũ Đức Đam</span>. Ảnh:<em> Ngọc Duy.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Theo sát quá trình xây dựng luật, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sách giáo khoa do ai biên soạn cũng phải trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Bộ trưởng có trách nhiệm phê duyệt có sử dụng hay không.</p> <p>"Sách giáo khoa đều chính thống và tầm quốc gia hết. Trách nhiệm ban hành thuộc Bộ trưởng GD&ĐT", ông Đam nói và chia sẻ rằng chủ trương ban đầu Bộ là chỉ muốn làm một bộ sách giáo khoa. Sau này, xu hướng dạy học thế giới dạy không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa mà căn cứ chương trình giáo dục phổ thông nên Bộ GD&DT đã thay đổi quy định.</p> <p>Theo Bộ trưởng GD&ĐT <span>Phùng Xuân Nhạ</span>, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo hướng thống nhất 80% áp dụng toàn quốc, 20% còn lại linh động theo từng địa phương. Người dạy theo chương trình mới không nhất thiết bám chặt sách giáo khoa, mà khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học.</p> <p>"Quá trình biên soạn sách giáo khoa rất chi tiết, huy động các nhà khoa học, nhà giáo, khác hẳn phát hành sách thông thường", ông Nhạ cho biết đây là bộ sách chung chứ không phải sách giáo khoa của riêng Bộ GD&ĐT.</p> <p>Ngoài tham gia biên soạn bộ sách này, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích các tổ chức khác biên soạn sách bám theo chương trình giáo dục phổ thông trước khi tổ chức thẩm định. Quy định cũng nêu rõ ai được tham gia biên soạn sách, không phải ai muốn cũng được tham gia.</p> </div> <p> </p>