<div> <p>"Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn qua video với lãnh đạo các quốc gia trong khối. Chúng ta cần hợp tác để bảo vệ sức khỏe của công dân", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter.</p> <p>Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông báo về cuộc họp, nhấn mạnh sự đoàn kết là sức mạnh nhằm đối phó Covid-19. "Tôi kêu gọi các đối tác châu Âu nhanh chóng hành động để điều phối các biện pháp y tế, nỗ lực nghiên cứu và phản ứng kinh tế", Tổng thống Macron viết trên Twitter.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Cảnh sát chống bạo động bên ngoài nhà tù ở thành phố Modena, Italy hôm 9/3. Ảnh: AFP." src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/06/italy-ncov-4-7224-1583767358.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Cảnh sát chống bạo động bên ngoài nhà tù ở thành phố Modena, Italy hôm 9/3. Ảnh: <em>AFP</em>.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu chưa có phương án ứng phó thống nhất với dịch Covid-19. Nhiều nước cáo buộc Pháp và Đức đang hành động đơn phương khi cấm xuất khẩu một số mặt hàng y tế.</p> <p>Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã xuất hiện ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 111.000 người nhiễm và hơn 3.800 người tử vong. Hàng loạt thành viên Liên minh châu Âu đã ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV, trong đó Italy, Đức và Pháp là những nước có số ca lớn nhất.</p> <p>Italy hôm nay ghi nhận thêm 1.492 trường hợp dương tính nCoV, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 7.375, trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc. Italy cũng là nước có số người chết do Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 366 trường hợp.</p> <p>Pháp và Đức cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Tổng số ca nhiễm tại Pháp hiện là hơn 1.200, trong đó 19 đã người chết, trong khi Đức xác nhận hơn 1.100 trường hợp song chưa có ca tử vong nào.</p> </div>