<div><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2018/09/25/tay-son-300x198.jpg" /> <p><em>Hình minh họa.</em></p> </div> <p><strong>Tả xung hữu đột đánh quân nhà Nguyễn</strong></p> <p>Đầu năm Quý Mão 1783, Nguyễn Phúc Ánh lại trở về Gia Định tổ chức quân ngũ, sai người sang Xiêm cầu viện. Nghe được tin này, Nguyễn Nhạc sai Lê Văn Hưng tháp tùng Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Trương Văn Đa vào đánh Gia Định.</p> <p>Thuỷ binh Tây Sơn đến cửa Cần Giờ đợi thuỷ triều dâng, gió từ biển thổi mạnh vào đất liền mới phát hoả. Tiền quân Châu Văn Tiếp dùng hoả công chống trả quyết liệt, song thất bại tại đồn thuỷ binh Dác Ngư. Tướng trấn giữ là Tôn Thất Mậu đem quân ra giao chiến, song chỉ một vài hiệp đã bị Lê Văn Hưng giết chết. Nguyễn Phúc Ánh bỏ Gia Định chạy về Ba Giồng.</p> <p>Qua đến tháng tư, hai bên tiếp tục đánh nhau tại Đông Tuyên (Kiến An, Định Tường). Quân nhà Nguyễn vừa thấy quân Tây Sơn do Lê Văn Hưng đốc xuất kéo đến thì đã muốn chạy trốn. Do đó mới giáp trận thì binh liền tan rã.</p> <p>Lê Văn Hưng tả xung hữu đột bắt sống được tướng Nguyễn Huỳnh Đức lập công đầu. Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn ra Phú Quốc. Lê Văn Hưng theo Nguyễn Huệ về Quy Nhơn.</p> <p>Sau khi vua Quang Trung băng hà, Lê Văn Hưng được vua con Cảnh Thịnh triệu về Phú Xuân. Năm Giáp Dần 1794, vua Cảnh Thịnh sai Lê Văn Hưng vào đánh Phú Yên.</p> <p>Lê Văn Hưng kéo đến đèo Cù Mông thì gặp Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Quang Huy người Phú Yên thiện dụng cây móc câu bạc, gọi là ngân câu, thường ưa cưỡi ngựa bạch. Quân sĩ thường gọi là Bạch mã Ngân câu Tướng quân. Huy đã có sức mạnh lại tinh thông võ nghệ, giỏi binh pháp nên được vua Thái Đức ái trọng, phong chức Phòng ngự sử cho vào trấn Bình Thuận.</p> <p>Tháng 3 năm Quý Sửu 1793, Nguyễn Quang Huy bị đại binh Tôn Thất Hội tấn công, ít quân, cô thế, Quang Huy phải rút quân về Phú Yên chiếm cứ một vùng hiểm yếu trong dẫy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội.</p> <p>Khi gặp được Lê Văn Hưng, hai bên vui mừng vì tình bạn cũ và có người tài giỏi giúp sức nên đã đánh chiếm Phú Yên được dễ dàng. Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở lại trấn thủ Phú Yên còn mình kéo quân về Phú Xuân.</p> <p><strong>Ung dung nhận lấy cái chết</strong></p> <p>Tại Phú Xuân, Thái sư Bùi Đắc Tuyên dựa vào sự tin cẩn của Cảnh Thịnh, quyền thế của Bùi Thái Hậu nên ngày càng lộng hành. Lê Văn Hưng vì người đồng châu, tính tình thật thà, bảo sao nghe vậy. Hưng vốn không có học, chỉ giỏi việc đánh nhau, không thích bàn chuyện triều chính nên được Bùi Đức Tuyên trọng dụng.</p> <p>Tuy nhiên, Lê Văn Hưng là người rất trung thực nên dù được Thái sư Bùi Đức tuyên biệt đãi song càng ngày Hưng càng thấy rõ Tuyên là một kẻ đại gian nên có thái độ phản đối mạnh.</p> <p>Bùi Đắc Tuyên nhận thấy Lê Văn Hưng không còn là con bù nhìn để mình khuynh loát sai khiến nữa nên tìm cách xúc xiểm vua Cảnh Thịnh trừ đi.</p> <p>Nhân Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên, giao thành cho Nguyễn Quang Huy trấn thủ, rút quân về Phú Xuân, Tuyên khép tội Hưng là không thỉnh mệnh trước, cấu kết nha trão hầu mong làm vây cánh, có ý muốn tạo phản, tâu vua chém đầu răn chúng.</p> <p>Vua Cảnh Thịnh nghe lời chuẩn tấu. Lê Văn Hưng ung dung nhận lấy cái chết. Sự việc này đã dẫn đến Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở.</p> <p>Vua nghe lời đàm tiếu giết đi Đại tướng dẫn đến các quan lại thanh trừng lẫn nhau, nội tình nhà Tây Sơn sau đó càng lúc càng rối ren và đi đến suy vong…</p> <p><em>(còn nữa)</em></p> <p><strong> Nguyễn Thành Hữu</strong></p> <!--.saic-wrapper -->