Lễ ông Công ông Táo: Chọn và cúng cá chép thế nào cho đúng?

Trong tín ngưỡng lâu đời của người Việt, cá chép là lễ vật quan trọng và không thể thiếu trong ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên, chọn cá chép cúng ông Công, ông Táo cho đúng không phải ai cũng biết.
ong-cong-ong-tao.jpg

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, Táo Quân là vị thần bếp dõi theo cuộc sống mỗi gia đình, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng.

Bởi vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, các gia đình lại tất bật sửa soạn cúng Táo Quân.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất chu toàn, từ đồ hương hoa, vàng mã, hoa tươi, mâm cơm mặn đủ món đến một thứ không thể thiếu được là ba chú cá chép đỏ để ông Táo cưỡi về trời.

ca-chep.gif

Trong xã hội hiện đại, việc cúng là tùy tâm, tùy vào quan niệm, niềm tin của mỗi gia đình. Có người cho rằng việc cúng cá chép cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, một con cũng được, không có cá chép sống thì thay đĩa xôi mang hình cá chép, hay dùng cá chép bằng vàng mã cũng được.

Tuy nhiên, muốn làm "chuẩn" theo truyền thuyết về sự tích ông Công ông Táo thì mua 3 con cá chép là phù hợp nhất. Phần lớn những gia đình duy trì tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp đều mua 3 con, dành cho 3 vị Táo quân.

ca-chep-tha.jpg

Cá chép để cúng thường là cá chép đỏ. Cũng có người chọn 1 đỏ 2 đen cho 3 vị Táo quân (1 bà 2 ông). Cá chép để cúng không nên chọn con quá to, để chật bàn thờ, cá quẫy mạnh có thể gây ảnh hưởng không tốt trong lễ cúng. Nên chọn cá vừa nhỏ, khỏe mạnh, bơi nhanh, không trầy xước, mất vảy.

Sau khi mua cá về nhà nên thả vào một bát nước sạch, nước ngập lưng cá. Tránh nước có nồng độ thuốc tẩy cao làm cá yếu. 

Khi cúng đặt cá chép cạnh mâm cỗ cúng. Sau khi cúng xong, mang cá thả hồ hoặc sông. Nên thả cá chép trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) để ông Táo kịp về chầu trời.

Theo Đời sống
back to top