Dược sĩ Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược trao Giấy chứng nhận GMP châu Âu cho SAVIPHARM. |
Ngành Dược Việt Nam với gần 200 Doanh nghiệp sản xuất thuốc, năm 2018 tổng giá trị đạt 2,4 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng lượng thuốc sử dụng trong nước, nhiều nhóm Dược phẩm thay thế Dược phẩm nhập khẩu, góp phần giảm chi phí cho bệnh nhân.
Công ty Cổ phần Dược phẩm SaVi (SaVipharm) do Thầy thuốc ưu tú, Dược sĩ Chuyên khoa II Trần Tựu sáng lập vào năm 2005. Công ty đã tập trung nguồn lực đầu tư Nhà máy sản xuất thuốc rắn phân liều (OSD) với các dây chuyền - trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới, quản lý bằng hệ thống SCADA; Đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động Nghiên cứu khoa học - NCPT bao gồm các phòng nghiên cứu bào chế, các pilot với các trang thiết bị tương thích với hệ thống thiết bị sản xuất thương mại; Các phòng thí nghiệm – kiểm tra chất lượng bao gồm toàn bộ trang thiết bị nhập khẩu từ các nước công nghiệp phát triển…
TS Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu nhân sự kiện SAVIPHARM được trao giấy chứng nhận GMP châu Âu. |
Nhà máy OSD, SAVIPHARM đã trở thành đối tác cung ứng Dược phẩm cho Tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) khu vực châu Á – Thái Bình Dương – Nhật Bản – Trung Quốc, từ năm 2011 đến nay, tiếp tục phát triển xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang các nước Malaysia, Cambodia…
Ngoài ra, SAVIPHARM là một trong số ít các Doanh nghiệp Dược đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN (theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/05/2007 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính Phủ) với 178 sản phẩm được công nhận. Đặc biệt, SAVIPHARM được cấp Giấy chứng nhận GMP Nhật Bản (tháng 12/2010 và tháng 11/2017) – GMP châu Âu (tháng 11/2019).
Đại diện các cơ quan Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo SAVIPHARM thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm NCPT Công nghệ cao SAVIPHARM. |
Trong giai đoạn 2020 – 2025, SAVIPHARM tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực được đào tạo và nguồn lực tài chính cho hoạt động Khoa học Công nghệ, Nghiên cứu Phát triển và khâu đột phá đó là đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Công nghệ cao Trung tâm bao gồm các lĩnh vực: Nghiên cứu nhóm sản phẩm mới, công nghệ cao; Tiếp nhận và chuyển giao sản phẩm – công nghệ mới; Hợp tác trong nước và quốc tế trong NCKH – NCPT; Tổ chức hệ thống nghiên cứu theo cấu trúc mới (các đơn vị – nhóm chuyên đề) với các phòng: Nghiên cứu bào chế; Các pilot; Các thiết bị kiểm nghiệm và Hệ thống phụ trợ.