Bảng hiển thị bị mờ, xa
Ngày 11/4, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, 3 nhân viên của cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu Minh Khai (số 199 Minh Khai, Hà Nội) đã viết tường trình thừa nhận nhiều lần vi phạm bán thiếu xăng cho khách. 3 nhân viên của cửa hàng là Vũ Quang Toàn, Vũ Quốc Việt và Vũ Quốc Tiệp đã viết tường trình thừa nhận nhiều lần vi phạm về việc bán thiếu hàng cho khách. Chiêu gian lận xăng này không tinh vi nhưng lại qua mặt được nhiều khách hàng. Để thuận tiện cho việc che mắt khách hàng, nhân viên cây xăng còn bố trí vị trí bơm xăng cách xa cột đo khoảng hơn 1m, duy nhất một lối đi cho đủ một xe vào. Bảng hiển thị đồng hồ rất mờ, khó nhìn, lại ở xa, nên người mua xăng dễ bị ăn gian.
Trước đó, lực lượng chức năng lật tẩy được thủ đoạn gian lận của cây xăng Đức Lợi, địa chỉ 195 Dạ Nam, quận 8, TP HCM. Ở cây xăng này, 2 nhân viên thường xuyên phối hợp làm trò gian lận để thu lợi bất chính. Thủ đoạn là khi khách đến đổ xăng, 1 trong 2 đối tượng này cầm vòi ra bơm; bên trong, người còn lại can thiệp vào đồng hồ hiển thị để thay đổi số tiền. Quan sát thông thường rất khó để phát hiện. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ thông tin hiển thị trên bảng đồng hồ hiển thị số xăng sẽ thấy dòng chữ báo lỗi.
Một chiêu gian lận xăng dầu nữa là “bấm cò”, thường áp dụng cho những khách hàng đổ xăng theo số tiền chẵn như 30.000, 40.000, 50.000 đồng… Nếu khách hàng vào cây xăng yêu cầu đổ 50.000 đồng thì khi đổ tới 30.000 đồng, nhân viên bán xăng chỉ cần bấm cò hai cái sẽ nhảy lên 50.000 đồng.
Đối phó với gian lận
Theo ThS Trần Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia Dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp, “vạch mặt” gian lận xăng dầu bằng mắt thường rất khó. Không thể dùng cách đem chai lọ, can đi để mua xăng. Trong khi đó, tại cây xăng, việc thay thế chip cũng không thể phát hiện bằng mắt thường, bởi chip thường rất nhỏ và lại được gắn ở bên trong. Chỉ khi nào kiểm tra tem niêm phong nếu thấy tem bị rách hoặc bị vỡ) hoặc sử biện pháp chuyên môn nghiệp vụ sâu thì mới có thể phát hiện được. Nhưng với cách gian lận như vụ việc vừa qua, bằng cách quan sát trực tiếp bảng hiển thị cũng như đồng hồ đo xăng của xe, người dùng hoàn toàn có thể biết được cây xăng có gian lận không.
Khi mua xăng phải để ý, nếu thấy cũng với số tiền ấy nhưng lượng xăng lại hụt hơn so với những lần mua trước thì gọi điện đến đường dây nóng của cơ quan chức năng. Tốt nhất là nên chọn cây xăng có thiết bị đo đã được kiểm định, cây xăng của các Tổng công ty lớn, cảnh giác với những cây xăng tư nhân, đặc biệt là các cây xăng bán lẻ tự phát. Một trong những biện pháp hữu hiệu là sử dụng bình đối chứng để khách hàng có thể trực tiếp kiểm tra khi có nghi ngờ. Hiện một số nơi như Tổng công ty xăng dầu Việt Nam đã yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc phải trang bị 1 bộ bình chuẩn và mỗi cửa hàng bán lẻ trang bị ít nhất 1 bình đối chứng. Cách làm này giúp cho việc tự kiểm tra sai số của cột xăng dầu tại cửa hàng đồng thời để khách hàng có thể kiểm tra đột xuất khi có nghi ngờ.
Trước đây Bộ KH&CN đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo ra một phương tiện kỹ thuật được coi như “hộp đen” để kiểm soát tình hình mua bán xăng dầu tại tất cả các cây xăng trên toàn quốc. “Hộp đen” sẽ lưu tất cả các thông số mua bán, giao dịch, số lượng, thời gian… của các cây xăng nhưng đến nay vẫn chưa thấy được triển khai.
Khi bơm xăng, nên quan sát thao tác của nhân viên và đồng hồ hiển thị. Nếu thấy số tiền nhảy vọt bất thường thì nên đề nghị làm rõ, tránh trường hợp bị “móc túi”.