Đối phó với tình trạng thiếu điện, tăng giá điện, chi phí điện tăng cao, nhiều gia đình lựa chọn cách đầu tư “đường điện riêng” – pin mặt trời.
Để đầu tư hệ thống pin điện mặt trời, các gia đình phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn, khoảng 100 triệu đồng/hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện thông thường để lắp đặt khoảng 10-20 tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà. Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng TP.HCM (đơn vị cung cấp giải pháp điện mặt trời), chỉ cần sử dụng hệ thống trong vòng 5 năm rưỡi là có thể thu hồi được chi phí đầu tư ban đầu. Ví dụ, với 16 tấm pin mặt trời công suất 360W/tấm mỗi ngày có thể sản sinh 22,8 kWh điện/ngày. Trong 1 tháng gia đình sẽ có 684 kWh điện. Lượng điện tiêu thụ trung bình hằng tháng của gia đình thông thường vào khoảng 320 kWh. Khi lắp đặt pin mặt trời sẽ thừa ra lượng điện khoảng 360 kWh và có thể sử dụng lượng điện này bán cho ngành điện lực.
Với giá mua điện từ pin mặt trời hiện nay vào khoảng 2.000đ/1kWh điện, trong 1 tháng, gia đình sẽ dư khoảng 750.0000 đồng điện dư cộng với số lượng điện không phải sử dụng điện lưới, mỗi gia đình có khoảng 1 triệu 550 nghìn. Tuổi thọ của mỗi hệ thống điện mặt trời (xuất xứ từ Mỹ) có thể lên tới 30 đến 40 năm. Sau khoảng thời gian 25 năm, hiệu suất pin mặt trời bị giảm còn khoảng 80% nhưng vẫn có thể hoạt động ổn định và cung cấp đủ điện cho khách hàng. Hơn nữa, với nguồn điện lắp đặt, các gia đình không bị phụ thuộc vào lưới điện ngành điện lực và còn có thể có thêm một nguồn điện bán ra khi nối lưới. Đặc biệt các gia đình có nhu cầu sử dụng điện nhiều, hoặc nhiều gia đình có thể lắp đặt chung để chia sẻ nguồn điện với nhau, sẽ là một giải pháp tiết kiệm điện tối ưu, bảo vệ môi trường.
Xu hướng sử dụng các nguồn năng lượng sạch đang trở nên tất yếu khi năng lượng điện từ than, thủy điện… đang ngày càng khó khắn.
Khánh Ly