<div> <p>Bộ Dân chính <span>Trung Quốc</span> ngày 18/4 ngang ngược tuyên bố chính phủ nước này đã phê chuẩn thành lập hai cái gọi là "thị hạt khu", tức quận, trực thuộc "thành phố Tam Sa" ở Biển Đông, bao gồm "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa".</p> <p>Một ngày sau đó, Trung Quốc tiếp tục công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông, bao gồm 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy biển.</p> <p>Xung quanh những diễn biến này, <em>Zing</em> có trao đổi với ông Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.</p> <h3>Tuyên bố vô giá trị</h3> <p>- Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa", cũng như công bố "danh xưng tiêu chuẩn" cho 80 thực thể ở Biển Đông. Những diễn biến này cho thấy điều gì về chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh?</p> <p>- Trong bối cảnh này, Trung Quốc, với dã tâm đã có từ lâu, vẫn tìm mọi cách để độc chiếm Biển Đông. Độc chiếm Biển Đông thì họ mới có thể hoàn thành "giấc mơ Trung Hoa", tức đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới.</p> <p>Mặc dù bị phản đối rất nhiều, Trung Quốc vẫn chọn những lúc như thế này, tức những lúc thế giới không dành nhiều sự chú ý cho Biển Đông vì bận xử lý việc khác, để ra tay. Việc này cho thấy dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt và Bắc Kinh sẽ luôn tìm mọi cách để biến nó thành hiện thực.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Lap hai quan trai phep, Trung Quoc tiep tuc da tam o Bien Dong hinh anh 1 Woody_Island.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/22/znews-photo-zadn-vn_woody_island.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: <em>DigitalGlobe/Getty Images.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><span>- Việc Trung Quốc tuyên bố thành lập hai quận để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như vùng biển xung quanh có bất kỳ giá trị nào về mặt pháp lý hay không?</span></p> <p>- Việc tuyên bố thành lập "chính quyền nhân dân" này thực tế chỉ là hành động đơn phương từ phía Trung Quốc và hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Theo luật pháp quốc tế, nếu muốn tuyên bố có giá trị pháp lý quốc tế thì thứ nhất, bạn phải dựa trên luật pháp quốc tế. Thứ hai, bạn phải có được sự công nhận của các quốc gia liên quan.</p> <p>Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đã và đang làm hoàn toàn đi ngược luật pháp quốc tế.</p> <p>Thứ nhất, Trung Quốc hoàn toàn không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đang chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa và 7 cấu trúc thuộc Trường Sa, nhưng việc họ sử dụng vũ lực để chiếm đóng vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, không mang lại cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp đối với các cấu trúc này.</p> <p>Việt Nam rất nhiều lần khẳng định chủ quyền lâu đời và không thể tranh cãi với hai quần đảo, được chứng minh bằng các bằng chứng lịch sử và pháp lý. Mới đây nhất, trong công hàm gửi lên <span>Liên Hợp Quốc</span> ngày 30/3, chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định điều này.</p> <p>Ngoài ra, việc Trung Quốc tuyên bố rằng "chính quyền nhân dân" mới không những quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn quản lý vùng biển xung quanh hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.</p> <p>Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982, công ước lớn nhất về luật biển mà Trung Quốc cũng là thành viên, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Những thực thể ở Trường Sa, cũng như bãi Macclesfield mà Trung Quốc gọi là "quần đảo Trung Sa", đều thuộc dạng này.</p> <p>Vậy thì Trung Quốc dựa trên cái gì để tự cho mình quyền quản lý những khu vực đó? Chủ quyền không có, công ước luật biển không cho phép.</p> <p>Về thái độ của các quốc gia liên quan, rõ ràng Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay lập tức và <span>Philippines</span> cũng lên tiếng phản đối. Tôi tin quốc gia khác cũng sẽ lên tiếng phản đối.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Lap hai quan trai phep, Trung Quoc tiep tuc da tam o Bien Dong hinh anh 2 be03d1e8_2474_11e9_9177_bd3ae24bba4f_image_hires_214907.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/22/znews-photo-zadn-vn_be03d1e8_2474_11e9_9177_bd3ae24bba4f_image_hires_214907.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đá Chữ Thập, một thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: <em>People’s Daily.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p><span>- Từ "huyện cấp thị" (thành phố cấp huyện) năm 2007 trở thành "địa cấp thị" (thành phố cấp địa khu) năm 2012, rồi giờ đây thiết lập các "thị hạt khu", việc nâng cấp cái mà Trung Quốc gọi là "thành phố Tam Sa" ở Biển Đông cho thấy đây là kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh và họ sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch này?</span></p> <p>- Đương nhiên những việc này nằm trong kế hoạch của Trung Quốc vì họ đã có tính toán từ rất lâu. Từ năm 1982, khi Trung Quốc vạch ra cái gọi là "kế hoạch biển" thì tướng Lưu Hoa Thanh (tư lệnh thứ ba của hải quân Trung Quốc - PV) đã tuyên bố Trung Quốc cần phải làm chủ biển khơi.</p> <p>Kế hoạch này được thể hiện thông qua chiến lược phát triển hải quân 3 giai đoạn, xoay quanh học thuyết "hai chuỗi đảo" ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu của chiến lược là Trung Quốc sẽ có lực lượng "hải quân biển xanh" vươn tầm toàn cầu vào năm 2040.</p> <p>Những diễn biến mới hoàn toàn trùng khớp với những gì Trung Quốc đang theo đuổi và mang đến một số thông điệp. Thứ nhất, như đã nói, Trung Quốc cho thấy họ không bao giờ từ bỏ dã tâm của mình. Thứ hai, Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng của thế giới ra sao. Nếu thế giới phản ứng không đủ mạnh và Trung Quốc thấy vẫn có thể tiếp tục hành động thì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiến hành những bước tiếp theo.</p> <h3>Phải chặn âm mưu biến "không" thành "có"</h3> <p>- Một nhà quan sát chỉ ra rằng trong số 80 thực thể mà Trung Quốc đặt tên, nhiều thực thể nằm dọc theo "đường lưỡi bò" phi pháp và một số thực thể nằm rất gần đất liền Việt Nam. Đây cũng là tính toán của Trung Quốc?</p> <p>- Rõ ràng Trung Quốc đang cố thúc đẩy yêu sách "đường lưỡi bò" của họ, dù điều này không mới. Song tôi cho rằng có một số quan ngại.</p> <p>Trung Quốc đang tìm mọi cách để chiếm đoạt, không chỉ ở Trường Sa, Hoàng Sa mà họ còn lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, vốn đã được thừa nhận theo công ước luật biển. Nếu họ đặt tên như vậy thì sau này họ sẽ rêu rao rằng đảo này, đá này là của Trung Quốc lâu đời rồi, Trung Quốc đã đặt tên rồi, vùng biển này là của Trung Quốc và nếu như chúng ta có hoạt động khai thác thì họ sẽ cho là xâm phạm. Tức là họ tìm mọi cách để biến "không" thành "có" và chúng ta phải ngăn chặn ngay từ đầu.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Lap hai quan trai phep, Trung Quoc tiep tuc da tam o Bien Dong hinh anh 3 Aerial_view_of_Woody_Island.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/22/znews-photo-zadn-vn_0131spratly_mischief02a.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Đá Vành Khăn, thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: <em>Inquirer.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>- Chuyện các bên đến nay vẫn mặc ai nấy gọi các thực thể ở Biển Đông theo cách của họ cũng không phải là bất ngờ?</p> <p>- Ở đây, cần phải hiểu là Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài nham hiểm là biến mọi thứ thành "sự đã rồi" và sau này Trung Quốc sẽ có cớ để lu loa rằng những thực thể mang tên như thế kia là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Việc này tương tự như cách Trung Quốc vin vào tên gọi quốc tế của Biển Đông là "South China Sea" (biển Hoa Nam) để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển - một luận điểm hết sức bậy bạ và phi lý.</p> <p>Một câu chuyện khác là Trung Quốc đã và đang cố đưa cái "đường lưỡi bò" phi pháp của họ vào trong các ẩn phẩm khoa học dù chẳng liên quan gì cả. Gần đây ở Việt Nam chúng ta cũng thấy đó, một loạt sản phẩm như bản đồ, quả địa cầu, phần mềm trên ô-tô có xuất hiện "đường lưỡi bò".</p> <p>Thế thì sẽ có những người không biết mà cho rằng điều này là bình thường, nhưng nó không bình thường, ở chỗ Trung Quốc lợi dụng chuyện đó để tuyên truyền, đưa ra lập luận thể hiện lợi ích của họ trong đó.</p> <p>- Ông có cho rằng Việt Nam cũng nên công bố chính thức tên gọi đối với các thực thể ở Biển Đông?</p> <p>- Việt Nam đã thống kê khoảng chừng 3.000 thực thể ở Biển Đông, với một số dự án tôi biết cũng đã được thực hiện lâu rồi. Tôi cũng nghĩ Việt Nam nên tập hợp dữ liệu, những thực thể nào của mình thì mình đặt tên cho nó, công bố tên gọi cũng như bản đồ chính thức cho quốc tế.</p> <p>Ngoài mục đích nâng cao nhận thức cho người dân trong nước thì việc này cũng góp phần củng cố tuyên bố với thế giới rằng những thực thể đó thuộc chủ quyền Việt Nam.</p> <p>- Xin chân thành cảm ơn ông.</p> <div> <p>Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối lập hai quận trái phép của Trung Quốc, cho biết đã nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.</p> <p>"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong tuyên bố ngày 19/4.</p> <p>Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai, bà Hằng tuyên bố.</p> </div> </div> <p> </p>