Một số vụ việc giáo viên bạo hành học sinh chỉ được phát giác khi có người quay camera đã gây bức xúc trong dư luận.
Đặc biệt là gần đây, một clip dài được phụ huynh quay trong 4 ngày, từ 27 đến 30/8 tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TPHCM). Theo như clip mà phụ huynh cung cấp cho báo chí, trong clip ngày 30/8, cô giáo gọi học sinh lên bục giảng trả bài, có véo tai liên tiếp nhiều em. Một góc khuất của camera quay được 12 học sinh nhưng theo quan sát, có đến 5 em bị cô đánh vào đầu, đập mạnh vào vai, véo tai và kéo tai lên xuống nhiều lần trong thái độ giận dữ; tay này xỉa vào học sinh, tay kia chống nạnh.
Vụ việc này lại một lần nữa làm dấy lên tranh luận, vậy, có nên lắp camera trong lớp học hay không?
Máy móc không thay được con người
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, người sáng lập và gần 20 năm là hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Suốt mấy chục năm qua, có nhiều công ty, nhiều người chào mời lắp camera trong lớp học nhưng ông đều từ chối.
Bởi ông nghĩ, việc lắp camera không giải quyết được những vấn đề về quản lý trường học, không giúp cho giáo viên phát huy được tính tích cực của mình và nó có những hạn chế.
Hạn chế thứ nhất, theo ông Hòa, quản lý qua camera là quản lý theo kiểu máy móc. Nếu lấy quản lý máy móc thay cho con người thì sẽ trái với mục tiêu của giáo dục. Trong khi, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn phải có nhiệm vụ dự giờ, giám sát, chịu trách nhiệm về hành vi của giáo viên và nắm chắc giáo viên của mình như thế nào, dạy như thế nào.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiệu trưởng, hiệu phó 1 tuần có 2 tiết dự giờ giáo viên. Và nếu thực hiện được đúng như vậy, trong vòng một năm, người quản lý sẽ biết được tình hình giáo viên như thế nào, làm sao có chuyện để cho giáo viên của mình gây bạo lực với học sinh nhiều năm như vậy như vậy mà không biết.
Hạn chế thứ hai là những hiện tượng giáo viên gây bạo lực với học sinh chỉ là con số rất ít. Hàng triệu giáo viên đang làm rất tốt công việc của mình, thậm chí là những sự hy sinh thầm lặng. Không nên lấy một trường hợp riêng lẻ mà áp đặt cho tất cả giáo viên được.
“Việc tự lắp camera có thể làm tổn thương tới lòng tự trọng giáo viên, đụng chạm đến sự tự trọng nghề nghiệp của họ, cho nên, tôi không bao giờ làm điều đó.
Ở trường tôi, tôi cũng có đặt camera nhưng mà là đặt camera tổng, ở hành lang để bảo đảm sự an toàn cho học sinh, ngăn chặn sự tác động từ bên ngoài. Còn những tác động từ bên trong thì tôi phải làm sao để giáo viên hiểu được giá trị, trách nhiệm của mình. Ngay cả có lắp camera mà giáo viên muốn bạo lực học sinh thì họ cũng vẫn tìm ra cách. Nếu chỉ chạy theo hiện tượng thì không bao giờ hiệu quả.
Để xảy bạo lực học đường, theo tôi, trách nhiệm đầu tiên vẫn là của hiệu trưởng, của nhà quản lý”, ông Hòa nhấn mạnh.
Có thể lắp camera nhưng cần trang bị cho giáo viên
Ở một góc nhìn khác về việc có nên lắp camera trong lớp, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho biết: Nếu mọi sự mà tốt thì chẳng có gì phải ngại.
Tuy nhiên, hiện nay về mặt cơ chế, chính sách của chúng ta cũng chưa trang bị đầy đủ cho các thầy cô, để các thầy cô tự tin đối diện với việc nhà trường lắp camera.
Nhiều thầy cô rất tốt nhưng họ vẫn băn khoăn, sợ sự thăng hoa của mình trong bài giảng đôi khi lại trở thành câu chuyện bàn cãi trong giáo dục.
Chính vì vậy, cần trang bị cho giáo viên một nền tảng rất tốt về tâm lý, về tư cách, về đạo đức, về chuyên môn. Bởi vì giáo dục đạo đức tốt hay không, kiến thức, tri thức tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào các thầy cô. Trong khi, thầy cô đã bị áp lực thì rất là khó để thực hiện được điều đó. Còn khi giáo viên đã đạt được mức độ đó rồi thì họ sẽ thấy việc lắp camera là bình thường.
Theo cô Nhiếp, việc lắp camera trong lớp học không hề làm giảm sút đi niềm tin hay xấu mối quan hệ giữa thầy và trò. Thực ra, là do suy nghĩ của mình. Nếu như mình nghĩ rằng thế này là tốt cho mình để mình hoàn thiện hơn thì không sao cả. Còn khi mình cho rằng, thế là giám sát hay theo dõi thì lại là câu chuyện khác.