Bản Tày Nà Đình ngổn ngang sau lũ.
Ai đã có dịp đến thăm vùng đất Nghĩa Đô (Bảo Yên) hẳn không thể nào quên những hình ảnh đẹp về những bản nhà sàn của đồng bào Tày nằm bên dòng suối thơ mộng, xung quanh là cánh đồng bát ngát. Vậy mà chỉ sau trận lũ bất ngờ vào sáng 22/10, những bản người Tày ở Nghĩa Đô đã bị mưa lũ tàn phá tan hoang. Trở lại sau cơn lũ dữ, chúng tôi không khỏi xót xa…
Xót xa những bản nhà sàn sau lũ
Bản Nà Đình nằm ở trung tâm xã Nghĩa Đô (Bảo Yên), vắt ngang qua Quốc lộ 279, là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất sau trận lũ quét lịch sử sáng 22/10. Những ngày qua, các lực lượng cùng phương tiện, máy móc đã được huy động về đây nạo vét hàng nghìn m3 bùn đất trên các tuyến đường chính và đường liên thôn, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Vậy nhưng, có mặt tại đây vào sáng ngày 24/10, trước mắt chúng tôi vẫn là khung cảnh bản làng ngổn ngang sau lũ.
Đường vào khu dân cư sau chợ Nghĩa Đô vẫn ngập ngụa bùn đất. Những khóm tre to, cây cổ thụ hơn một người ôm cũng bị lũ đánh bật gốc từ thượng nguồn suối Nghĩa Đô cuốn trôi về đây, dạt vào khu chợ và khu dân cư với những ngôi nhà chỉ còn trơ lại nền xi măng hoặc bị sập đổ, xiêu vẹo.
Đường sau chợ Nghĩa Đô vẫn ngập bùn đất. |
Nếu không trực tiếp đến nơi này, có lẽ chúng tôi không thể hình dung nổi sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ đối với vùng đất Nghĩa Đô.
Bên ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, chỉ còn trơ lại duy nhất ống khói bếp, ánh mắt bà Hoàng Thị Tâm, thôn Nà Đình vẫn chưa hết bàng hoàng: “Cơn lũ ập về nhanh quá. Lúc đó khoảng hơn 6 giờ sáng, tôi đang ở bên nhà đứa cháu nhìn thấy dòng nước đục ngầu tràn về chỉ vài phút sau đã ngập lút mái nhà.
Chồng tôi cùng các con cháu không chạy kịp đều bị lũ cuốn đi hàng chục mét may mắn mắc lại đoạn tường bê tông ở chợ nên mới thoát chết. Nhà cửa trôi mất hết rồi, 50 bao thóc mới gặt, cùng quần áo, đồ đạc đều không còn một thứ gì, khổ lắm các cháu ơi”. Bà Tâm nói mà nước mắt cứ trào ra, nghẹn đắng.
Vị trí một ngôi nhà bị lũ cuốn. |
Cách nhà bà Tâm không xa là dãy nhà sàn sau chợ Nghĩa Đô. Những ngôi nhà sàn mái cọ hàng chục năm tuổi vẫn là niềm tự hào của người dân Nghĩa Đô nay trong cảnh tan hoang.
Nhiều nhà bị sập đổ, ngập trong bùn đất. Trong đó, nhà của vợ chồng cô giáo Lương Thị Nga (Trường THCS Nghĩa Đô) và thầy giáo Lương Văn Bắc (Trường Phổ thông DTBT THCS Tân Tiến), nhà của cô giáo Lương Thị Năm (Trường Mầm non Nghĩa Đô) bị cuốn bay, nhà chị Lương Thị Thao và học sinh Ma Thị Thủy Tiên bây giờ chỉ còn lại là một ao nước sâu vài mét.
Chị Thao nghẹn ngào: Bao năm qua tôi làm lụng vất vả chắt bóp từng đồng mới mua được ngôi nhà này. Bây giờ 3 mẹ con không còn nhà ở phải đi thuê trọ, may nhờ sự giúp đỡ của nhà trường và các tổ chức, cá nhân, các cháu mới có quần áo, sách vở đến trường.
Nỗi lo ở Bản Lằng
Từ thôn Nà Đình, chúng tôi ngược Quốc lộ 279 rồi rẽ theo con đường bê tông vào thôn Bản Lằng. Mới hôm nào, cánh đồng nơi đây còn bát ngát một màu xanh trù phú, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
Vậy mà niềm vui chưa đến, sau cơn lũ kinh hoàng, cả đồng lúa mênh mông chín vàng hôm nào giờ trở thành bãi cát trắng, có những ruộng lúa đổ rạp, hạt mẩy trôi theo dòng nước, chỉ còn lúa non, lúa lép bám lại trên bông, nhìn mà đau xót.
Nhiều diện tích lúa bị lũ vùi lấp. |
Sau ngày mưa lũ, nắng đã lên. Bà con tranh thủ ra ruộng giúp nhau gặt nốt những bông lúa còn sót lại trên cánh đồng. Có chỗ lúa vẫn bị ngập sâu trong nước, bông lúa lút trong bùn đất, người dân dầm mình trong bùn gặt lúa, rồi vất vả giũ từng bông lúa trong nước cho sạch, sau đó bó lại, phơi trên sào cho khô.
Chăn màn, quần áo ướt được đem ra phơi khi nắng lên. |
Nỗi lo cho những ngày thiếu lương thực sắp tới đè nặng lên các gia đình ở bản Tày nghèo. Từ bản Giàng sang bản Lằng mải miết giúp cháu “cứu lúa”, chị Hoàng Thị Vện tâm sự: “Mưa lũ nhiều quá hôm nay mới có chút nắng, lúa bị ngâm trong nước lũ hẩm hết rồi, hạt nào không mốc hỏng cũng nảy mầm, về chỉ nghiền cho gà, lợn ăn thôi”.
Người dân bản Nà Đình quét dọn bùn đất tràn vào nhà. |
Sau trận lũ lớn, chiếc cầu sắt bắc qua suối bản Lằng đã bị lũ cuốn trôi mặt cầu và hai mố cầu, đoạn đường lên Bản Đáp có tới 15 điểm bị sạt lở chưa khắc phục được, nên hai thôn Bản Lằng, Bản Đáp với trên 100 hộ dân vẫn bị chia cắt.
Trưởng thôn Bản Lằng Hoàng Văn Phương nhìn ra dòng suối nước đã rút nhưng vẫn đục ngầu bảo: Bản Lằng có 21,7 ha lúa thì tất cả đều bị vùi lấp, cơ bản là mất trắng, chỉ còn mấy ha có thể vớt vát được, 4 nhà sàn bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Bản Lằng vẫn còn 12 hộ nghèo, năm nay chẳng những không giảm được hộ nào mà số hộ nghèo sẽ tăng lên.
Khẩn trương khắc phục đường điện bị hư hỏng. |
Lúa mất hết rồi, ruộng bị cát lấp không biết sẽ khôi phục sản xuất ra sao, bà con lấy gì để sống? Còn cầu qua suối cũng chưa biết bao lâu nữa mới làm lại được, người già, trẻ nhỏ muốn đi học, mua bán gì phải lội suối sang trung tâm xã, biết là nguy hiểm nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.
Hôm nay, cái lán nhỏ bên ruộng lúa xung quanh quây bạt tạm trở thành nơi ở của 3 gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, chục con người ngủ chen chúc trên tấm phản gỗ ọp ẹp.
Anh Nguyễn Văn Khôi, quần áo bê bết bùn đất, gương mặt hốc hác, ánh mắt thẫn thờ sau mấy ngày vất vả chạy lũ, bảo: Nhà em chỉ có mảnh đất, ngôi nhà, bây giờ nhà cửa trôi hết, đất đó cũng không được dựng nhà vì nguy hiểm nên chẳng biết tìm đâu mảnh đất làm nhà. Những ngày tới chẳng biết sẽ ra sao. Chỉ khổ mấy đứa trẻ phải ở chui rúc trong lều, không có chỗ để học bài.
Người dân giúp nhau thu hoạch những ruộng lúa còn sót lại đã đổ rạp. |
Học sinh chưa thể đến trường
Sau 4 ngày xảy ra trận lũ dữ, hoạt động dạy và học tại các trường học trên địa bàn xã Nghĩa Đô vẫn chưa thể ổn định và trở lại bình thường.
Cô giáo Đường Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Đô không giấu được nỗi lo: Tuy cơ sở vật chất của trường không bị ảnh hưởng gì sau trận lũ, nhưng nhiều gia đình giáo viên, học sinh bị thiệt hại nặng nề.
Trường Mầm non Nghĩa Đô có 27 cán bộ quản lý, giáo viên thì có 10 thầy cô giáo bị ảnh hưởng về nhà cửa, trong đó thiệt hại nặng nhất là nhà cô giáo Lương Thị Năm bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, nhà cô giáo Hoàng Thị Dương, Hoàng Thị Xuyến cũng bị sập đổ, mất nhiều tài sản, hoa màu.
Thầy cô giáo, học sinh Trường THCS Nghĩa Đô đến giúp gia đình giáo viên bị sập nhà do lũ quét. |
Về phía học sinh, cả trường có 37 gia đình học sinh nhà cửa bị ảnh hưởng bởi trận lũ, trong đó có 5 nhà học sinh bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hoàn cảnh rất khó khăn.
Đáng lo ngại hơn cả là hiện nay trường chỉ có 50% học sinh đến lớp học được, hai điểm trường ở thôn Bản Lằng, Bản Đáp đang phải dừng hoạt động vì cầu qua suối bị cuốn trôi, đường bị sạt lở.
Cầu sắt qua suối Bản Lằng bị cuốn trôi, khiến hai thôn Bản Lằng, Bản Đáp đang bị cô lập, thầy cô giáo và trên 100 học sinh chưa thể đến điểm trường. |
Trong mấy ngày gần đây, giáo viên nhà trường đã quyên góp được 7,8 triệu đồng cùng với số tiền ủng hộ gần 26 triệu đồng của các trường học khác hỗ trợ giáo viên, học sinh đang gặp khó khăn sau lũ.
Trong khi các thầy cô giáo bị lũ chưa đến lớp được thì ban giám hiệu và các giáo viên khác cùng chung tay gánh vác việc giảng dạy, không để ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh.
Chiếc lán là nơi ở tạm của 3 gia đình bị lũ cuốn trôi nhà ở thôn Bản Lằng. |
Đối với Trường THCS Nghĩa Đô, theo thầy giáo Trần Minh Tân, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thì cả trường có 5 giáo viên và 80 học sinh thuộc diện bị thiệt hại do lũ quét. Khó khăn hơn cả là 13 học sinh có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở bản Nà Đình. Hoạt động dạy và học đang dần ổn định trở lại.
Ngày 23/10 cả trường vắng 15 học sinh, đến ngày 24/10 còn vắng 7 học sinh. Vào các buổi chiều, thầy cô giáo và học sinh không quản khó khăn đến giúp các gia đình bị thiệt hại nặng sau lũ dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Thầy giáo Trần Văn Chung vừa trở về trường sau khi cùng 70 học sinh vào Bản Lằng giúp nhân dân, học sinh khắc phục hậu quả mưa lũ chia sẻ: Trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, thầy trò chúng tôi cùng giúp đỡ nhau vươn lên, đây cũng là hoạt động nhân văn, giáo dục học sinh tình yêu thương, ý thức chia sẻ khó khăn với cộng đồng, tinh thần “lá lành đùm lá rách”.
Các em học sinh lội suối về nhà do cầu đã bị cuốn trôi. |
Chúng tôi rời Nghĩa Đô khi trời sẩm tối. Mấy học sinh nhỏ bất chấp nguy hiểm đang cố gắng lội qua dòng suối đục ngầu để về nhà. Lúc này, một số nhân viên Chi nhánh Điện lực Bảo Yên mới lặn lội cuốc bộ từ Bản Đáp ra mang theo tin vui đã cấp lại được điện cho các hộ dân trong vùng bị cô lập.
Mong cho chiếc cầu tạm qua suối Nghĩa Đô vào Bản Lằng sẽ sớm làm xong, các điểm sạt lở trên tuyến đường vào Bản Đáp sẽ sớm được xử lý để hai thôn thoát khỏi cảnh bị cô lập, chia cắt và trên 100 học sinh sẽ sớm được đến trường.
Nguồn: Báo LCO