Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư về việc lựa chọn SGK để lấy ý kiến nhân dân, theo đó, việc lựa chọn SGK thuộc quyền của cơ sở giáo dục phổ thông; mỗi cơ sở thành lập một hội đồng chọn SGK có sự tham gia của giáo viên và phụ huynh học sinh.
Làm thế nào để có sự khách quan, công bằng, minh bạch trong việc lựa chọn SGK là mối quan tâm của dư luận. Trả lời câu hỏi của PV về vấn đề này, tại cuộc họp công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã khẳng định không có sở GD&ĐT nào đứng ra làm SGK.
Quyết định chi thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TPHCM . Ảnh: MT. |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, từ tháng 9/2015 NXB Giáo dục Việt Nam đã có quyết định chi thù lao cho “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TPHCM” gồm 11 người.
Trong số này, đa số đều là lãnh đạo, cán bộ cấp quản lý thuộc Sở GD&ĐT TPHCM, số tiền cao nhất là 6 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Mức chi cho 11 thành viên trong Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam năm 2015 là 516 triệu đồng/năm. Quyết định này ghi rõ nguồn chi từ Quỹ đầu tư của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, được thực hiện từ ngày 1/5/2015.
Và tính từ ngày 1/5/2015 đến hết ngày 31/12/2017, tổng mức chi tới khoảng 1,5 tỷ đồng.
Từ tháng 1/2018, NXB Giáo dục Việt Nam cũng có quyết định tiếp tục chi tiền cho “Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TPHCM”với mức từ 2,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Quyết định lần này do ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục ký.
Điều đặc biệt, ngoài 11 người “kế thừa” danh sách nói trên, còn “bổ sung” 24 người vào diện “nhận thù lao”, trong đó có các cán bộ chủ chốt của NXB Giáo dục, có cả ông Nguyễn Đức Thái; 4 phó tổng giám đốc NXB, Giám đốc NXB Giáo dục tại TPHCM... và 14 chuyên viên liên quan đến chương trình học của Sở GD&ĐT TPHCM…
Như vậy, chỉ tính riêng trong năm 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi thù lao cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam số tiền tổng cộng tới 1 tỷ 398 triệu đồng. Tổng 2 lần chi từ ngày 1/5/2015 đến hết năm 2018 là gần 2 tỷ đồng.
Vậy, số tiền gần 2 tỷ đó, liệu có được tính vào giá SGK hay không? Khi những lãnh đạo Sở nhận tiền thù lao rồi, thì việc lựa chọn SGK có thực sự minh bạch, khách quan, liệu có sự định hướng nào từ Sở đối với các cơ sở giáo dục trong tỉnh hay không? Đó là những câu hỏi mà dư luận quan tâm và cần câu trả lời từ phía Bộ GD&ĐT.