Theo đó, Đến nay, VUSTA đã tổ chức thành công 8 kỳ Đại hội.
Kỳ Đại hội thứ nhất diễn ra vào ngày 26/3/1983 tại Hà Nội. Anh hùng lao động, Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của VUSTA. Khi đó, ông Lê Khắc, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Các nhà khoa học, nhà quản lý Nguyễn Văn Hiệu, Đào Văn Tập, Lê Văn Thới, Đường Hồng Dật được bầu làm Phó Chủ tịch.
GS.VS Trần Đại Nghĩa. |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của VUSTA diễn ra ngày 12/5/1988 tại Hà Nội. Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 9 ủy viên do GS.TS Hà Học Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ tịch; TS Trịnh Văn Tự và TS Phạm Sĩ Liêm làm Phó Chủ tịch. TS Trịnh Văn Tự kiêm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký; từ năm 1990, Cử nhân Trần Cư đảm nhận chức vụ này. Ủy ban Kiểm tra do đồng chí Lê Khắc Làm Chủ nhiệm. Từ năm 1990, TS Lê Quang Báu đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Đại hội suy tôn GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của VUSTA diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 - 28/9/1993. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện và tiếp tục suy tôn GS.VS Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự và đã bầu ra Hội đồng Trung ương gồm 95 ủy viên, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên do GS.TS Hà Học Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng tiếp tục làm Chủ tịch; GS Phan Huy Lê, TS Phạm Sĩ Liêm, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng làm Phó Chủ tịch và PGS.TS Hồ Uy Liêm làm Tổng Thư ký, bầu Cử nhân Trần Cư làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của VUSTA diễn ra ngày 7 - 9/1/1999 tại Hà Nội. Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 17 ủy viên do GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng và GS.TS Trần Ngọc Hiên làm Phó Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm tiếp tục được bầu làm Tổng Thư ký; PGS.TS Tô Bá Trọng làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
GS.VS Vũ Tuyên Hoàng. |
Với tinh thần "Trí tuệ - Hợp tác - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2005 - 2010 của VUSTA diễn ra từ ngày 27 - 28/12/2004. Đại hội tiếp tục bầu GS.VS Vũ Tuyên Hoàng làm Chủ tịch; GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, GS.TS Trần Ngọc Hiên, PGS.TS Hồ Uy Liêm, Cử nhân Phạm Quốc Anh làm Phó Chủ tịch; PGS.TS Hồ Uy Liêm tiếp tục kiêm chức Tổng Thư ký; GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Hội nghị lần thứ 5 năm 2009, Hội đồng Trung ương đã bầu TS Phạm Văn Tân giữ chức vụ Tổng Thư ký thay PGS.TS Hồ Uy Liêm.
Với tinh thần "Trí tuệ - Đoàn kết - Phát triển", trong các ngày ngày 27 - 28/4/2010, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 của VUSTA diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Hội đồng Trung ương gồm 144 ủy viên, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 23 thành viên do GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm Chủ tịch. Ba Phó Chủ tịch gồm: TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo T.Ư; PGS.TS Hồ Uy Liêm và TS Trần Việt Hùng. TS Phạm Văn Tân tiếp tục đảm nhiệm chức Tổng Thư ký, TS Trần Việt Hùng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra. Tại Hội nghị Hội đồng Trung ương lần thứ 3 (năm 2012), TS Phạm Văn Tân và TS Phan Tùng Mậu được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch.
GS TSKH Đặng Vũ Minh (cầm hoa) chụp ảnh cùng Đoàn Chủ tịch VUSTA. Ảnh: Tiến Dũng. |
Từ ngày 2 - 3/6/2015, với tinh thần "Đoàn kết - Trí tuệ - Đổi mới - Phát triển" Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức VII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của VUSTA được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Hội đồng Trung ương gồm 173 ủy viên, bầu Đoàn Chủ tịch gồm 25 thành viên do GS.TSKH Đặng Vũ Minh làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch gồm: TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo T.Ư; TS Phạm Văn Tân; TS Phan Tùng Mậu; TSKH Nghiêm Vũ Khải. TS Phạm Văn Tân tiếp tục đảm nhiệm chức Tổng thư ký. Năm 2017, TS Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo T.Ư được bầu làm Phó Chủ tịch thay thế TS Vũ Ngọc Hoàng và năm 2019, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo T.Ư được bầu làm Phó Chủ tịch thay thế TS Bùi Thế Đức.
Sáng 25/12/2020, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của VUSTA đã diễn ra tại Hà Nội. Đoàn Chủ tịch khóa VIII gồm: TSKH Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội được bầu giữ chức Chủ tịch VUSTA khóa VIII và trở thành Chủ tịch thứ 6 của VUSTA. PGS.TS Phạm Quang Thao và TS Nguyễn Hồng Diên là Phó Chủ tịch VUSTA; ThS Nguyễn Quyết Chiến là Tổng Thư ký VUSTA. GS.TSKH Đặng Vũ Minh được bầu là Chủ tịch danh dự VUSTA.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). |
Với Đoàn Chủ tịch khóa mới, VUSTA sẽ phát huy tốt truyền thống đoàn kết và những kết quả đã đạt được trong các nhiệm kỳ qua để tiếp tục đạt được nhiều kết quả, thành tích trong nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch đáng kính đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa là một trong những "cánh chim đầu đàn" của khoa học - công nghệ Việt Nam và của đội ngũ trí thức trực tiếp làm nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Bằng tài năng trí tuệ, tri thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, bằng tinh thần ái quốc cao cả, kinh nghiệp thực tiễn phong phú từ các cuộc chiến tranh, Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa đã quy tụ được trí tuệ của các thế hệ nhà khoa học – kỹ thuật, nhận nhiệm vụ xây dựng ngôi nhà chung của giới trí thức.
Ngày 26/3/1983, tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam được tổ chức. Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa được bầu làm Chủ tịch đáng kính đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) khóa I, nhiệm kỳ 1983 - 1988. Dưới sự dẫn dắt của Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa, quy mô của VUSTA đã được mở rộng. Công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức cũng được chú trọng. Nhiều cuộc hội thảo khoa học đã được tổ chức. Tại đây, các trí thức đã đóng góp nhiều ý kiến tâm đắc và sâu sắc vào dự thảo nhiều văn kiện quan trọng về đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng vả Nhà nước. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng sớm được Chủ tịch Trần Đại Nghĩa triển khai nhằm giới thiệu với quốc tế về một tổ chức mới; đồng thời trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế…
Sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch đầu tiên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và III nhất trí suy tôn Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa là Chủ tịch danh dự của VUSTA. Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa cũng có nhiều đóng góp xây dựng Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam…
Thiếu tướng, GS.VS Trần Đại Nghĩa được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1952, khi ông vừa tròn 38 tuổi và nhiều huân chương, giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – kỹ thuật.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Giáo sư, nhiều công trình tại các đơn vị, địa phương trong cả nước đã được vinh dự mang tên ông: phố Trần Đại Nghĩa ở Hà Nội, đường Trần Đại Nghĩa tại TP Đà Nẵng, đường Trần Đại Nghĩa tại TPHCM. Ngoài ra, tên của ông còn được đặt cho một số trường học trên cả nước, trong đó có Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường Đại học Trần Đại Nghĩa ở TPHCM; Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa ở TP Vĩnh Long và Trường THPT Trần Đại Nghĩa ngay tại quê hương đồng chí (huyện Tam Bình)...