Ngay sau khi Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 28/9/2019 của Bộ Chính trị được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã bám sát các nhiệm vụ và giải pháp đưa ra tại Nghị quyết này, đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và giao nhiệm vụ các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, UBND các huyện và TP Lạng Sơn cụ thể hóa và triển khai các nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới công tác vận động, xúc tiến đầu tư, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư trong giai đoạn mới…
Đến nay, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo tích cực; những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp và nhất quán trong chỉ đạo thực hiện cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút doanh nghiệp ở nơi khác đến đầu tư tại tỉnh; hệ thống kết cấu hạ tầng quan trọng được tập trung đầu tư xây dựng và tình hình chính trị - xã hội ổn định, đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có bước cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng. Chỉ số tổng hợp PCI năm 2020 của tỉnh Lạng Sơn đạt 62,43 điểm, tăng 6,14 điểm so với năm 2016; năm 2020 xếp hạng 49/63 tỉnh, thành phố; tăng 6 bậc so với năm 2016, xếp hạng 20/32 trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình, xếp thứ 9/14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Tuy thứ hạng PCI chậm cải thiện nhưng chỉ số điểm tổng hợp PCI hằng năm của tỉnh đều tăng, khẳng định sự cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh về thực hiện cải thiện môi trường đầu tư.
Đồng thời, tỉnh cũng đã xác định danh mục 37 dự án gọi vốn đầu tư, gồm cả trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2019 - 2025.
Các dự án này nhằm tối ưu hóa, khai thác được tiềm năng, lợi thế, nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản của tỉnh bằng những công nghệ tiên tiến, ít gây tác hại đến môi trường. Trong đó, chú trọng đến các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Nhờ đó, tuy là tỉnh miền núi khó khăn, nhưng đã có hàng chục dự án có vốn đầu tư nước ngoài được triển khai và đi vào hoạt động, với tổng vốn đăng ký đạt 6.289 tỷ đồng.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát tình hình hoạt động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, kiên quyết thu hồi một số dự án đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai chậm theo quy định, điều chỉnh danh mục dự án gọi vốn đầu tư theo hướng loại bỏ các dự án nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư; xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ thị trường phân phối trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên tiếp xúc và làm việc với các tổ chức gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam để kết nối, hỗ trợ, giới thiệu một số doanh nghiệp lớn tham gia nghiên cứu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay nhiều tập đoàn đã và đang thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.
Hiện nay, thực hiện Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng Quy định trình tự, thủ tục đầu tư trong và ngoài nước theo Luật Đầu tư hiện hành; giao các cơ quan xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của tỉnh nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đăng ký đầu tư với các cơ quan chuyên ngành của tỉnh gồm: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Thuế, Thanh tra, Hải quan… từ khâu thẩm định, theo dõi giám sát đầu tư; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cấp liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tổng kết, đánh giá tác động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn; tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường an ninh, chính trị ổn định giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng xúi giục, kích động gây mất an ninh trật tự; xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm tài sản, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.