Hình ảnh toàn cảnh khu du lịch Mẫu Sơn. |
Phát huy tiềm năng du lịch Lạng Sơn
Với hệ thống giao thông mở cùng vị trí thuận lợi nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, từ Lạng Sơn có thể đi sang Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế bằng tuyến đường sắt liên vận quốc tế và đường bộ. Cùng đó, hệ thống giao thông tương đối phát triển tiếp cận thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu vực, đây cũng là lợi thế tạo ra các cơ hội để Lạng Sơn đẩy nhanh chiến lược phát triển du lịch tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc với những tập quán sinh hoạt, phong tục hội hè, những món ăn truyền thống, những làn điệu dân ca độc đáo như hát then (Tày, Nùng), Pựt, hát sli sloong hàu (Nùng), hát lượn slương (Tày), đồng dao, quan lang... say đắm lòng người. Cộng đồng các dân tộc nơi đây còn lưu giữ nhiều lễ hội mang đậm truyền thống văn hóa như: Lễ Hội Đồng Đăng, Lễ hội chùa Bắc Nga (Huyện Cao Lộc), Lễ hội chùa Tam Thanh, Lễ Hội kỳ Cùng - Tả Phù... mà bất cứ du khách nào đến Lạng Sơn cũng muốn thăm.
Lạng Sơn có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh hấp dẫn: Động Tam Thanh, Động Nhị Thanh, núi nàng Tô Thị, Cột cờ Phai vệ mang dáng dấp hòn non bộ khổng lồ giữa thành phố, khu du lịch Mẫu Sơn, thung lũng Bắc Sơn... Bên cạnh đó, Lạng Sơn lưu giữ nhiều địa danh lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của ông, cha như: Ải mục Nam Quan, ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, di tích căn cứ cách mạng Bắc Sơn...
Trước những thế mạnh về tiềm năng du lịch, trong những năm qua tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đồng thời xây dựng và triển khai đề án du lịch của tỉnh theo hướng ưu tiên, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gắn chặt với thương mại và liên kết nông nghiệp, tập trung phát triển sản phẩm du lịch biên giới, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và cộng đồng có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, tạo sự khác biệt và hiện đại; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn văn minh.
Cơ hội cho nhà đầu tư phát triển kinh tế thương mại, du lịch
Ngày 16/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1590/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040. Đây là cơ sở để quy hoạch cụ thể các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng khu vực Mẫu Sơn thành khu du lịch đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch đến khu du lịch Mẫu Sơn nói riêng và vùng trung du miền núi Bắc bộ nói chung. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, quỹ đất... nhằm phát triển bền vững.
Theo đó phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc, xã mẫu Sơn huyện Lộc Bình và một số phần địa giới hành chính các xã Khánh Xuân, Đồng Bục, Hữu Khánh và Yên Khoái thuộc huyện Lộc Bình; quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 14.964ha; với tính chất là khu du lịch quốc gia gắn với các di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Là khu du lịch được xây dựng một cách đồng bộ với các khu vui chơi giải trí tổng hợp. Là khu có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; dự báo quy mô dân số trong khu vực quy hoạch đến năm 2020 tăng khoảng 15.000 người; đến năm 2040 khoảng 28.000 người; quy mô khách đến năm 2030 khoảng 1 triệu lượt; năm 2040 khoảng 1,5 triệu lượt khách; quy mô cơ sở lưu trú đến năm 2030 khoảng 3.800 phòng, năm 2040 khoảng 6.000 phòng; định hướng phát triển không gian bao gồm tổ chức không gian tổng thể gồm: Không gian đón tiếp, dịch vụ du lịch bố trí tại khu vực chân núi Mẫu Sơn; Không gian du lịch giải trí và nghỉ dưỡng tập trung bố trí tại khu vực phía Đông đỉnh núi Mẫu Sơn; Không gian du lịch cộng đồng, du lịch khám phá bố trí tại các khu vực còn lại trong ranh giới quy hoạch.
Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Lạng Sơn ưu tiên đối với những lĩnh vực thế mạnh của tỉnh và có tính khả thi cao như du lịch. Khi thảm đỏ đã được trải, cơ hội lớn được mở ra, nhiều nhà đầu tư cả nước tin tưởng triển khai dự án tại Lạng Sơn. Hàng loạt các tên tuổi lớn như: VinGroup, SunGroup, Apec, Đèo Cả, Hòa Phát... đã nhanh chóng có mặt và triển khai các dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Công Huy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn APEC, Lạng Sơn có lợi thế về kinh tế cửa khẩu, vị trí đắc địa trong tuyến hành lang kinh tế “Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng”, cộng với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông sẽ là đòn bẩy cực lớn để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, sự đồng hành của chính quyền sẽ nhanh chóng đưa Lạng Sơn trở thành điểm đầu tư hấp dẫn của miền Bắc. Tập đoàn APEC cam kết sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có các dự án mục tiêu hướng đến như: Khu công nghiệp Hữu Lũng, Khu đô thị APEC Ecopark, nông nghiệp công nghệ cao.
Lạng Sơn đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu di tích lịch sử văn hóa Chi Lăng. Đây là cơ hội mới để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ tại cửa ngõ nơi địa đầu của đất nước.