Để chống nắng, thay vì thoa kem, sử dụng quần áo chống nắng, nhiều chị em chọn cách dùng viên uống chống nắng. Tiện lợi, nhưng viên uống chống nắng không thần kỳ như nhiều người lầm tưởng.
Chị Đỗ Anh Thư, Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo sản xuất mỹ phẩm Grandpa's Garden cho biết, viên uống chống nắng (tiếng Anh là "sunscreen pills") thực ra là một khái niệm gây hiểu nhầm. "Sunscreen" là hình thức bảo vệ da khỏi ánh nắng bằng việc tạo ra một lớp màng, không cho UV thâm nhập vào tế bào da (màng này có thể là màng vật lý hoặc màng hóa học, nhưng mục đích cuối cùng là giảm thiểu lượng UV xâm nhập vào tế bào da). Còn viên uống chống nắng thực tế không tạo được lớp màng nào. Bản chất nó là một tập hợp của nhiều chất chống oxy hóa.
Sở dĩ làn da của chúng ta bị đen đi do có melanin được sinh ra nhiều hơn. Melanin được sinh ra nhờ một chuỗi phản ứng oxy hóa (mà UV là một tác nhân sinh ra nhiều phản ứng oxy hóa trên da). Như thế, khi uống viên uống chống nắng này, thực tế là UV đã thâm nhập vào tế bào da, chỉ là các phản ứng oxy hóa trong da dẫn đến tăng sinh melanin bị ức chế, cho nên làn da không đen đi. Do đó, chống nắng bằng mỹ phẩm = tạo màng lọc UV. Chống oxy hóa bằng viên uống chống nắng (thực phẩm chức năng) = UV vẫn đến da nhưng không sinh ra nhiều melanin. Đây là hai cơ chế khác nhau, và không nên dùng viên uống chống nắng để thay hoàn toàn cho mỹ phẩm chống nắng. Vì uống viên này ra đường, da của bạn vẫn bị UV thâm nhập.
Có những cách chống nắng “truyền thống” là làm cho tia nắng không “chạm” được đến da của mình, và cản trở chúng xuyên qua da để ngăn không cho các phản ứng sinh học xảy ra trong cơ thể. Đó là: che kín cơ thể bằng quần áo, đeo kính râm, đội nón, tránh ở ngoài trời nắng vào giờ cao điểm 9 - 16 giờ, thoa kem chống nắng để cản trở tia nắng xuyên qua da.
Phong Lâm