Học sinh phàn nàn bài giảng quá nhanh
Từ 9/3 đến 14/3, theo kế hoạch, Hà Nội tổ chức triển khai chương trình học trên truyền hình, phát sóng trên kênh 1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Đối với lớp 9 gồm các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh; đối với lớp 12 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy. Mục đích nhằm góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh và tốt nghiệp THPT Quốc gia năm học 2019 - 2020.
Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu chương trình học được phát sóng, nhiều học sinh và giáo viên đã có phản hồi bài giảng đi quá nhanh, khiến học sinh không theo kịp.
Học sinh phản ánh, thầy giáo giảng hay, nhưng nhanh khiến học sinh không theo kịp bài giảng. |
Cụ thể, với môn Ngữ văn, một học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội cho biết, thời lượng bài giảng ngắn, thầy giảng lại nhanh, khiến các bạn có sức học yếu sẽ không kịp nắm bắt.
“Đặc biệt là có những phần cần ghi nhớ, thì máy chiếu cũng quá nhanh, khiến chúng em nếu muốn ghi chép thì lại phải mở đi mở lại mới chép được. Em thấy, các thầy cô rất nhiệt tình giảng bài, nhưng em muốn chương trình cần có sự cải tiến, để chúng em có thể học tốt hơn. Chứ học như thế này, theo em sẽ khó để đi thi được”, học sinh này nói.
Theo khảo sát của PV KH&ĐS, nhiều học sinh cũng có chung đánh giá, suy nghĩ như trên. Và không chỉ với môn Ngữ văn, mà còn với các môn học khác.
Một số giáo viên cho biết, các học sinh của họ phản ánh, tiết học sẽ diễn ra theo kiểu thầy cô cứ nói và học trò “chạy theo” nên không hiệu quả. Một vài tiết học chưa thực sự hấp dẫn, thầy cô giảng đều đều, có thể do căng thẳng.
“Chưa đầy 20 phút giảng cho bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, theo tôi, nếu như học sinh chưa có sự chuẩn bị trước thì sẽ rất khó tiếp thu. Tôi cho rằng, nếu có thể điều chỉnh để tăng thời lượng một tiết dạy lên thì sẽ tốt hơn”, một giáo viên chia sẻ
Để học tốt phải có sự chuẩn bị trước
Trao đổi với cô giáo Nguyễn Hương Thủy, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội về những phản ánh của học sinh, giáo viên đối với việc học trên truyền hình, cô Hương Thủy cho biết, dạy trên truyền hình có nhiều khó khăn.
Cô giáo Nguyễn Hương Thủy chia sẻ, dạy trên truyền hình có nhiều khó khăn. |
Thứ nhất, đối tượng học sinh rất đa dạng phong phú, từ mức phổ thông nhất cho tới khá và giỏi. Với một thời lượng ngắn gọn, không thể dàn trải, thì việc bài giảng đáp ứng được đầy đủ tất cả các nhu cầu và mục tiêu của các đối tượng khác nhau là tương đối khó khăn.
Thứ hai, không được dạy trực tiếp các học sinh thì không gian dạy học chỉ mang tính chất giả định. Cho nên, giáo viên sẽ phải cân nhắc lượng kiến thức như thế nào để đảm bảo được tính phổ thông, cơ bản nhất. Đồng thời cũng chú ý tới bài tập ở các mức độ khác nhau. Để có thể chạm tới từng mục tiêu của từng đối tượng học sinh. Và điều đó không hề dễ dàng.
Thứ ba, để chuyển tải một tiết học lên trên truyền hình trông thì đơn giản nhưng thực ra rất phức tạp.
Bởi khi không được tương tác với học sinh, thì giáo viên cũng phải gói ghém kiến thức và trình bày như thế nào cho khoa học nhất. Đây cũng là một thách thức đối với giáo viên. Trong khi, thời gian được chuẩn bị cho tiết học này không nhiều.
“Hơn nữa, với một giáo viên quen đứng trước lớp, giao tiếp với học sinh thì giờ phải đứng trước ống kính, máy quay với việc không có học sinh ở trước mặt để trao đổi, hồi đáp, thì cũng là một khó khăn. Điều đó sẽ khiến chúng tôi thiếu đi sự tự nhiên và linh hoạt. Mọi người tưởng rằng chỉ cần bê bài giảng hằng ngày lên là được, nhưng thực tế không phải như vậy", cô Hương Thủy chia sẻ.
Về những khó khăn của học sinh khi tiếp cận bài giảng trên truyền hình, cô giáo Hương Thủy cho biết, để việc học trên truyền hình hiệu quả, thì điều quan trọng nhất là học sinh phải có sự chủ động. Bởi tâm thế của học sinh ở trên lớp xưa nay vẫn thường là sự bị động, được giáo viên truyền thụ, giảng dạy, nhắc nhở, trao đổi, giám sát. Các em đã chờ đợi ở giáo viên quá nhiều, giáo viên vừa là người truyền thụ, hướng dẫn, thậm chí vừa là người thúc ép, nhắc nhở.
Vậy thì, với việc học trên truyền hình, hoàn cảnh thay đổi, thì các em phải có sự thay đổi.
Thứ nhất các em phải xác định việc học trên truyền hình không thể nào quá kỹ lưỡng và cụ thể như ở trên lớp được. Vì thời lượng phát sóng có hạn.
Thứ hai, tất cả những gì trao đổi trong một tiết học sẽ là những gợi ý, cốt lõi của bài học. Trên kiến thức lõi đó để các em hiểu được những cái cơ bản nhất. Còn trên cái cơ bản đó thì các em phải tự tìm hiểu, tự đọc, tự hoàn thiện bài tập, tự trao đổi với các bạn, để có thể là người chủ động để xây dựng hệ thống kiến thức cho chính bản thân mình.
Và để có một tiết học trên truyền hình thật hiệu quả thì các em cần phải đọc trước nội dung bài mà tiết học đó sẽ diễn ra và có những tư duy trước. Thậm chí, có những câu hỏi đặt ra giả định, để khi các em nghe giảng, với sự truyền thụ của giáo viên, các em tự mình lý giải, trả lời những câu hỏi mà mình đã đặt ra.
Còn nếu các em thấy với lượng kiến thức đó mà vẫn chưa thỏa mãn những câu hỏi của mình, có thể có trang tương tác có thể trao đổi với bạn bè, thầy cô để hoàn thiện thêm kiến thức của mình.
“Nếu các em có sự chủ động đó, thì việc học trên truyền hình mới có ý nghĩa. Nói tóm lại, các em phải rất chủ động, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động nắm bắt, ghi chép, đặt câu hỏi, tự giải đáp câu hỏi và gần như tự đối chất thì bài học sẽ hiệu quả”, cô Hương Thủy nhấn mạnh.
"Những tiết dạy đầu tiên đối với chúng tôi thực sự không hề đơn giản. Hy vọng ở những tiết học sau thì chúng tôi rút được kinh nghiệm. Đặc biệt là từ những ý kiến góp ý của các đồng nghiệp, học sinh, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện để bài giảng tốt hơn”, cô Hương Thủy chia sẻ.