Theo chuyên gia Dương Thuỳ Anh, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thớt gỗ phổ biến nhất, nhưng cũng khó làm sạch nhất do bề mặt có nhiều lỗ hổng, có xu hướng co lại và đặc biệt bạn không được cho thớt gỗ vào máy rửa bát. Để làm sạch thớt gỗ, bạn có thể dùng nước rửa bát và nước ấm đề rửa trôi những vụn thức ăn trên bề mặt sau đó khử khuẩn. Pha 1 thìa canh dung dịch thuốc tẩy có clo với khoảng 4 lít nước, rồi đổ dung dịch lên bề mặt thớt và để trong vòng 7 giây, nhưng đừng ngâm thớt trong dung dịch. Sau đó rửa lại với nước và để ráo.
Thớt nhựa thường rẻ hơn và dễ thay thế hơn so với thớt gỗ, thậm chí còn có thể dùng được trong máy rửa bát. Tuy nhiên, cũng giống như thớt gỗ, thớt nhựa cũng có những vết cắt do dao tạo nên vậy nên người dùng cũng cần phải lưu ý về việc thay mới. Để làm sạch thớt nhựa bằng tay, bạn cũng có thể sử dụng dung dịch thuốc tẩy giống như với thớt gỗ. Đối với loại thớt nhựa composite được làm từ hỗn hợp nhựa và xơ thực vật, tạo thành một khối đặc và chống lại đươc các vết cắt trên bề mặt cũng nên được vệ sinh giống như hai loại trên
Thớt thủy tinh thường không phổ biến bằng các loại thớt trên cho loại thớt này khá nặng và dễ vỡ. Thớt thủy tinh cũng rất nhanh làm cùn dao. Tuy nhiên, nếu bạn không ngại mài dao thường xuyên thì thớt thủy tinh cũng là một lựa chọn thích hợp vì dễ làm sạch. Không giống như các chất liệu thớt khác, thớt thủy tinh có thể được làm sạch và khử khuẩn trong máy rửa bát, không cần đến dung dịch tẩy rửa đặc biệt.