Hỏi: Tôi nghe nói đã có công nghệ sản xuất nước trái cây và rượu từ quả điều có đúng không, cách làm thế nào?
Trần Phương Hà (Hà Nội)
TS Trần Hữu Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Phương pháp xử lý giúp loại bỏ vị chát trong dịch ép quả điều do Viện Công nghệ hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện, có thể được ứng dụng để chế biến nước trái cây và rượu điều từ phụ phẩm. Dịch ép quả điều chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng, có thể cho lên men thành rượu nhẹ, sử dụng làm nước giải khát… Tuy nhiên hiện nay, sau thu hoạch, quả điều thường bị vứt bỏ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường do trong dịch ép quả điều chứa hàm lượng tanin cao, đây là nguyên nhân chính gây ra vị chát sít lưỡi khi dùng.
Tanin trong dịch ép quả điều tồn tại dưới hai dạng phổ biến là tanin thủy phân và tanin ngưng tụ. Nếu sử dụng phương pháp hóa học là dùng các protein như gelatin, casein, lòng trắng trứng… tạo kết tủa với tanin để tách loại tanin, có nhược điểm là một lượng lớn polyphenol hữu ích bị loại bỏ hẳn khỏi dung dịch. Nhóm đã nghiên cứu sử dụng phương pháp kết hợp enzym tanase và gelatin để tách loại tanin. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nhiệt độ 40 độ C, hàm lượng enzym tanase 100ppm bẻ gãy lên kết acyl trong phân tử tanin thủy phân, sau đó cho thêm gelatin 0,2% vào dịch ép, hiệu quả tách loại tanin đạt 67%.
Sau xử lý bằng phương pháp kết hợp này, dịch ép điều có tổng polyphenol tăng lên 17% so với dùng phương pháp hóa học. Dung dịch thu được sau phản ứng gần như không màu, không còn vị chát se sít lưỡi do tanin gây ra. Nghiên cứu này mở ra hướng ứng dụng trong việc chế biến nước trái cây, rượu điều từ phụ phẩm, nhằm tăng giá trị kinh tế cho cây điều.
Bảo Châu