Biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiều quy luật trong nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ. Để thích ứng, buộc phải chuyển dịch hướng canh tác theo hướng “sống chung với lũ”.
Mùa vụ bị xáo trộn
Dự án “Tăng cường tiếng nói và năng lực cho người nông dân thiểu số dễ bị tổn thương ứng phó với biến đổi khí hậu Tây Bắc Việt Nam (VOF)” do Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (Agricultural Development Denmark Asia (ADDA) tài trợ, được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-UBND ngày 23/5/2019.
Bà Đinh Thị Son, Hội Phụ nữ xã Xuân Nha (Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La) cho biết, do là khu vực miền núi, nơi có độ dốc cao, thu nhập chính của người dân là từ nông nghiệp, mà việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên ngày càng “bấp bênh”. Hiện nay tại đây mùa mưa đến muộn hơn, điều này kéo theo lịch mùa vụ cũng thay đổi theo. Thời gian làm đất gieo ngô và cấy lúa muộn hơn so với trước kia từ 10 - 15 ngày, các cây trồng vụ đông cũng phải điều chỉnh theo cả về loài trồng cũng như cách thức trồng. Bên cạnh đó thời gian thay đổi dẫn tới các loại bệnh mới cũng xuất hiện trên cây trồng. Lượng mưa trong một trận mưa tăng lên tuy nhiên thời gian mưa lại ngắn, dẫn tới lượng nước tập trung trong một thời gian ngắn lớn, lượng nước chảy bề mặt tăng, làm cho các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở cũng tăng theo.
Dòng chảy bề mặt lớn còn dẫn tới đất trên các diện tích canh tác nông nghiệp bị xói mòn rửa trôi dẫn tới bạc màu, khó canh tác hoặc canh tác nhưng năng xuất không đạt. Rét đậm rét hại không theo quy luật dẫn tới một số cây nông nghiệp vụ đông bị chết, ngoài ra đàn gia súc cũng bị ảnh hưởng. Một số bản khu vực cao của xã (Nà An, Mường An, Bản Tưn, Pù Lầu...) xuất hiện hiện tượng sương muối cục bộ, tại các bản này trước kia không xuất hiện sương muối tuy nhiên một vài năm gần đây sương muối thường xuyên xuất hiện gây ảnh hưởng tới diện tích cây ăn quả và rau màu.
Trồng cam không dùng thuốc BVTV
Ông Nguyễn Đức Tố Lưu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pannature) cho biết, mô hình làng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng lực của cộng đồng ứng phó với BĐKH và phát triển nông nghiệp bền vững dựa vào tổ chức xã hội của nông dân ở cấp thôn bản với cách tiếp cận tổng hợp về kỹ thuật, phát triển tổ chức, vận động chính sách địa phương. Người nông dân trong thôn bản đóng vai trò quan trọng trong mô hình này thông qua lựa chọn nhóm đại diện cho mình thông qua bầu chọn Nhóm nông dân thích ứng. Được quan sát và thực hành trên những mô hình canh tác có đủ quy mô ứng phó với BĐKH ngay tại thôn bản của mình.
Anh Vũ Hùng Cường giới thiệu về vườn cam hữu cơ |
Anh Vũ Hùng Cường, Công ty TM&ĐT Sen Xanh, Nông trại hữu cơ Vân Hồ (Sơn La), người sở hữu hàng trăm ha trồng cam hữu cơ ở Mộc Châu, Sơn La cho biết, đa phần người nông dân không kiên trì khi chuyển đổi cách thức trồng trọt. Ví dụ khi chuyển đổi sang mô hình trồng hữu cơ thấy cây bị cằn đi, bị suy nhanh, là họ nản. Nhưng họ không biết rằng chỉ sau 2-3 năm là cây phát triển rất tốt, không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh Cường hiện đang chăm sóc vườn cam hữu cơ đạt chuẩn 888 chỉ tiêu không tồn dư. Cam được trồng hoàn toàn bằng phân bón và sinh khối có sẵn tại địa phương như rơm rạ, tro trấu, mùn mày ngô. Thân cây ngô được mua về, băm nát ủ cùng phân chuồng để cuối năm lấy phân bón. Đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi cây sẽ được treo 1 chai long não để đuổi ruồi vàng, không cần phải phun thuốc trừ sâu.
Phân bón là đậu tương được ngâm để phun cho cam và bón dưới gốc thay thế cho phân bón hóa học. “Các vườn cam khác cứ 7-10 ngày phải phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng ở đây chỉ chơi thôi”, anh Cường cho biết. Để có được điều đó thì trước khi trồng, đất phải xử lý, dùng phân đạm ure hòa ra để phun rửa vườn 3 lần trong 6 tháng, cộng với sinh khối mùn ngô khoảng nửa mét và cày tơi lên, sau đó mới xuống giống trồng. Cam canh hữu có có tuổi thọ cao nhất là 27 tuổi, mỗi năm cây cho 3 tạ quả. Trong khi đó ở các địa phương khác canh tác thông thường thì cây chỉ có tuổi thọ khoảng 5 năm.
Tô Hội
Tổng nguồn vốn của dự án VOF là 86.700 USD tương đương 1.739 triệu đồng (100% vốn viện trợ). Thời gian thực hiện dự án từ tháng 5/2019 đến 31/12/2021. Dự án được triển khai tại 4 bản thuộc 4 xã của 4 huyện, gồm: Bản Phé A (xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu); bản Nà Si (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn); bản Nà Khái (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu); bản Thín (xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ). Dự án VOF được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của ADDA và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) từ dự án trước đây “Biến đổi khí hậu và người dân tộc thiểu số tại miền Bắc Việt Nam (CEMI)”.