BS Đinh Thị Lan Oanh, PGĐ bệnh viện đang thăm khám cho bé
Mổ cứu thai nhi ở sản phụ ngừng tim, ngừng thở
Sáng ngày 12/8/2019, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận thai phụ Lã Thị Y. (sinh năm 1986, TP Hạ Long) vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, đang mang thai khoảng 35-36 tuần. Nhận định đây là trường hợp cấp cứu sản khoa nguy hiểm, kíp trực lập tức khởi động quy trình báo động đỏ chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, đồng thời phối hợp các chuyên khoa Sản, Hồi sức tích cực, Gây mê, Sơ sinh đến chi viện....
Các y bác sĩ vừa hồi sức tích cực, vừa phẫu thuật để mổ cấp cứu lấy thai cho sản phụ. Chỉ sau khoảng 2 phút phẫu thuật, kíp phẫu thuật đã lấy ra bé gái nặng 2,6kg trong tình trạng có biểu hiện tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Toàn thân tím, không phản xạ, không khóc...
Ngay sau khi làm các thao tác cấp cứu, trẻ được làm mát toàn thân chủ động, đưa nhiệt độ về 33 - 34 độ C trong 72 giờ liên tục giúp giảm số lượng tế bào não bị tổn thương do thiếu oxy và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não. Sau 72 giờ trẻ được làm ấm từ từ để đưa về nhiệt độ bình thường và đã được cứu sống.
BS Đỗ Mạnh Hà, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, đây là ca làm mát toàn thân thứ 7 tại Bệnh viện, qua theo dõi các bệnh nhi đều phát triển tốt. Theo báo cáo, sinh ngạt – bệnh não thiếu oxy thiếu máu não cục bộ - là một trong 3 nguyên nhân tử vong sơ sinh hàng đầu ở trẻ (chiếm hơn 80%) và ở các nước phát triển tỷ lệ này là 3 - 5/1.000 trẻ sống. Trong đó, 75% trẻ tử vong ngay trong thời kỳ đầu tiên sau khi chào đời. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho những trường hợp này. Làm lạnh toàn thân là phương pháp mang lại hiệu quả điều trị khả quan cải thiện tử vong, giảm di chứng cho trẻ sinh ngạt được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Chú ý thời gian vàng
Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, quá trình chuyển dạ và sinh là giai đoạn nhiều nguy cơ trẻ bị tổn thương não do thiếu oxy, thiếu máu. Nguyên nhân có thể do bệnh lý của mẹ hoặc con, bất thường trước hoặc trong quá trình chuyển dạ, hỗ trợ hồi sức trẻ sau sinh, sang chấn sản khoa... Hậu quả dẫn đến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng não như chậm phát triển, động kinh, bại não.
Khi bị sinh ngạt, não bộ của trẻ sơ sinh sẽ thiếu máu và oxy khiến các tế bào thần kinh bị tổn thương. Quá trình tổn thương này có hai giai đoạn: Từ khi sinh ra đến trước 6 giờ tuổi, tế bào thần kinh thiếu năng lượng (oxy, máu) nên sẽ sử dụng năng lượng dự trữ. Giai đoạn hai, các tế bào thần kinh phù nề, tổn thương và dần chết đi.
Theo BS Đỗ Mạnh Hà, áp dụng phương pháp làm lạnh để hạ thân nhiệt của trẻ xuống 33-34 độ C trong vòng 72 giờ liên tục. Khi thân nhiệt được giảm xuống, giai đoạn hai sẽ khó diễn ra, từ đó làm chậm quá trình tổn thương các tế bào thần kinh và ngăn chặn các tổn thương tiếp diễn do phù não. Vì vậy, phương pháp này cần được áp dụng sớm cho trẻ ngay sau khi sinh (trước 6 giờ tuổi) mới có hiệu quả.
Phương pháp làm lạnh toàn thân chỉ được áp dụng cho trẻ sinh đủ tháng, có tác dụng phụ là làm chậm nhịp tim, tụt huyết áp, tuy nhiên chỉ diễn ra trong thời gian làm lạnh và được phục hồi khi kết thúc quá trình này. Sau khi hồi phục, trẻ được tiếp tục tái khám định kỳ để theo dõi về phát triển tâm thần vận động, kết hợp với vật lý trị liệu, đa phần trẻ phát triển tốt.
Tác dụng của phương pháp hạ thân nhiệt chủ động ở trẻ bệnh não thiếu oxy thiếu máu não cục bộ gồm: Làm gián đoạn quá trình chuyển hóa của tế bào não trong tình trạng thiếu oxy; giảm nhu cầu sử dụng glucose, oxy, giảm sự mất năng lượng ATP và ngăn cản tử vong theo chương trình của tế bào não, ngăn cản tiến trình phù não.