Hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng
Theo các chuyên gia an ninh mạng, dữ liệu cá nhân là giá trị vô cùng quan trọng của nền kinh tế số. Hầu hết các lĩnh vực đều sử dụng dữ liệu cá nhân để xử lý dữ liệu như hành chính, y tế, hình sự, hộ tịch, quốc tịch... Do đó, dữ liệu cá nhân cần phải được bảo mật tối đa. Tuy nhiên, gần đây, việc mua bán dữ liệu riêng tư của cá nhân công khai trên các diễn đàn, trang mạng xã hội có thể gây hệ lụy cho rất nhiều người. Từ những thông tin cá nhân bị lộ, tin tặc đã tấn công phá hoại, lây nhiễm virus, phầm mềm gián điệp, mã tin học độc hại, đánh sập fanpage, Facebook...
Nhiều kẻ lừa đảo trên mạng đã sử dụng ảnh thật của người dùng mạng xã hội để tạo nên những tài khoản giả mạo, lừa chính bạn bè, người thân của họ. Thậm chí, từ những thông tin trên ảnh mà người sử dụng đăng tải công khai trên mạng xã hội như tên của con, tên trường học, khu nội trú, thẻ xe đưa đón con ở trường… tội phạm có thể đe dọa tống tiền, bắt cóc, hoặc lừa người sử dụng chuyển tiền...
Theo ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng phòng An ninh mạng, Tập đoàn Bkav, để tránh bị tin tặc phá hoại, người dùng, nhất là các nhân viên công ty tập đoàn hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng, đặc biệt là các thông tin nhạy cảm như CMND, số điện thoại, email và địa chỉ... Chỉ cung cấp các thông tin cá nhân khi thực sự cần thiết và chỉ cung cấp cho các đơn vị uy tín, có thẩm quyền. Đối với các đơn vị có được thông tin cá nhân do người dùng cung cấp cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dữ liệu đó, chỉ được sử dụng các dữ liệu đó khi có sự cho phép của người dùng.
Không gian mạng có xu hướng mở rộng vô tận, với hàng tỷ người cùng tham gia sản sinh dữ liệu mỗi ngày, xuyên các quốc gia nhưng không có luật lệ chặt chẽ. Trước vụ việc hàng ngàn người Việt Nam bị lộ thông tin, đối mặt nguy cơ an ninh mạng, người dùng nên áp dụng ngay một số biện pháp để giảm thiểu rủi ro.
Để kiểm tra dữ liệu, thông tin cá nhân đã bị rò rỉ hay chưa, người dân cần truy cập vào địa chỉ https://khonggianmang.vn của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). NCSC (Cục Tần số, Bộ Thông tin Truyền Thông) đưa ra các hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc từ xa cho các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân. NCSC có chức năng giám sát trung tâm, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trên khonggianmang.vn có các công cụ kiểm tra. “Kiểm tra địa chỉ IP” giúp kiểm tra địa chỉ IP Public của bạn có kết nối tới mạng botnet nào trong 30 ngày gần nhất. “Kiểm tra website phishing” giúp kiểm tra website bạn nghi ngờ có phải là lừa đảo, giả mạo hay không. “Kiểm tra lộ lọt thông tin tài khoản cá nhân” giúp kiểm tra tài khoản cá nhân có bị lộ lọt trên mạng hay không. “Kiểm tra khả năng phòng chống tấn công giả mạo email” sẽ cảnh báo cho biết người gửi mail có phải lừa đảo không...
Bảo mật tài khoản an toàn
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar cho biết, người Việt thường tự làm lộ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo… hay các ứng dụng kết nối dịch vụ gọi xe, thuê phòng... Các thông tin cá nhân của người sử dụng hiện nay ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên. Thông tin về ngày tháng năm sinh, trường học, nơi làm việc, nơi ở... kê khai trong các ứng dụng mạng xã hội được để ở chế độ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ai cũng có thể thu thập được thông tin của họ, có thể dễ dàng lập tài khoản giả mạo và tiến hành các hành vi lừa đảo.
Để không lọt, lộ thông tin cá nhân, hoặc tránh bị tin tặc tấn công khi đã lộ thông tin cá nhân, người dùng cần bảo mật an toàn các tài khoản khi sử dụng thiết bị điện tử. Đặt mật khẩu cho các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính, máy tính xách tay. Thực hiện bảo mật 2 lớp bằng cách bổ sung thêm một lớp bảo mật cho các tài khoản của bạn trên Google, iCloud trên iphone, Facebook... Mật khẩu phải kết hợp các chuỗi ký tự viết hoa và viết thường, số và ký hiệu để khiến việc bẻ khóa khó hơn nhiều so với mật khẩu đơn giản.
Cần thay đổi mật khẩu thường xuyên định kỳ, hoặc thay đổi ngay khi có nghi ngờ. Không sử dụng cùng một mật khẩu cho các địa chỉ khác nhau. Mật khẩu cần đặt ở chế độ mạnh. Tuyệt đối không cung cấp hay để lọt mật khẩu cho bất kỳ ai.
Cân nhắc trước khi truy cập vào các wifi miễn phí, wifi nơi công cộng... Khảo sát an ninh mạng cho thấy, sử dụng wifi công cộng miễn phí có nguy cơ bị tấn công nghe lén, tấn công lừa đảo và đánh cắp các thông tin cá nhân.
Tạo thói quen sao lưu các tập tin dự phòng trường hợp bị nhiễm virus không thể khôi phục hoặc bị tin tặc mã hóa đòi tiền chuộc. Thường xuyên kiểm tra và quét virus bằng các phần mềm diệt virus. Không truy cập vào các trang web lạ. Không tải về các ứng dụng, phần mềm không rõ nguồn gốc... để chống mất cắp dữ liệu và xâm nhập trái phép.
Khi cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động, hạn chế tải về các ứng dụng không được xác nhận, không đáng tin cậy. Không tham gia vào các trò chơi trên Facebook hay mạng xã hội có yêu cầu kết nối với profile của bạn hoặc yêu cầu bạn cung cấp ngày tháng năm sinh, địa chỉ mail, số điện thoại... Những status trạng thái có liên quan đến thông tin về gia đình, công việc, sinh nhật... không nên đăng công khai, chỉ để trong phạm vi bạn bè.
Hãy cẩn thận khi nhấp vào các liên kết, các email đáng ngờ có các liên kết dẫn đến các trang web lừa đảo. Nếu email bao gồm các tệp đính kèm hoặc liên kết, hãy đảm bảo xác thực chúng trước khi mở và sử dụng chương trình chống virus trên những tệp đính kèm.